Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 02:31

Thứ tư, 24/04/2024 | 02:31

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 11:26 ngày 06/05/2021

Ngành Công Thương Yên Bái: Tích cực hành động về an toàn thực phẩm

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được ngành Công Thương Yên Bái triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp, nhờ đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào ổn định và không để xảy ra các trường hợp ngộ độc nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, Phó Trưởng ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) Yên Bái.
Bảo đảm ATTP là yêu cầu cấp thiết đối với sức khỏe con người và sự phát triển của nền kinh tế. Xin ông đánh giá về công tác triển khai bảo đảm ATTP của ngành Công Thương Yên Bái trong thời gian qua?
Ngành Công Thương Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường công tác tuyên truyền, các quy định của pháp luật nhất là Luật ATTP và các nghị định, chỉ thị của Chính phủ. Nội dung tuyên truyền này được các cấp, các ngành phối hợp nên đã triển khai được sâu rộng đến tất cả các địa phương, các doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, qua thăm dò người dân, họ cũng nắm bắt được các nội dung về ATTP và tự biết bảo vệ mình trong việc sử dụng thực phẩm an toàn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái Phạm Trung Lân
Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai, thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra những mặt hàng đang được lưu thông trên thị trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, nông nghiệp kiểm tra tất cả các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn. Qua kiểm tra đã xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, nhất là về truy xuất nguồn gốc, hàng không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường… Nhờ đó, trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái không xảy ra bất kỳ trường hợp ngộ độc nghiêm trọng về ATTP.
Ngoài ra, ngành Công Thương cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp trong việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn. Đồng thời, cũng hỗ trợ cho các đơn vị xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh. Qua đó, những sản phẩm của Yên Bái tiêu thụ trên thị trường hiện nay được đánh giá cao.
Thưa ông, Yên Bái là địa bàn miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, vậy việc bảo đảm ATTP trên địa bàn gặp phải những khó khăn như thế nào?
Yên Bái là một tỉnh miền núi, với địa bàn trải rộng, gồm 9 huyện, thị xã, thành phố, với 173 xã phường, thị trấn, dân số trên 821.000 người. Giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, huyện xa nhất cách trung tâm thành phố 180km hay có những xã, bản xa vào mùa mưa là giao thông bị chia cắt. Bên cạnh đó, theo thống kê, hiện trên toàn tỉnh có 8.880 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, song chủ yếu vẫn là các loại hình sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, quy mô hộ gia đình. Chính vì vậy, việc kiểm tra, kiểm soát mở rộng về ATTP rất khó khăn, đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, do đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, trình độ dân trí còn hạn chế, tư tưởng của bà con chủ yếu là dùng hàng hóa rẻ tiền, do đó, khu vực này luôn tiềm ẩn và có nhiều cơ hội lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào... Tuy nhiên, thời gian qua, với sự phối hợp liên ngành giữa ngành Công Thương, ngành y tế, ngành nông nghiệp cùng sự phối hợp với chính quyền các địa phương, chúng tôi đã thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát về ATTP nên tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ở khu vực vùng cao đã giảm rất mạnh, có thể nói giờ đây đã đẩy lùi được tình trạng đó.
Thưa ông, trong năm 2021, ngành Công Thương Yên Bái tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ nào để bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh? Đồng thời, ông có kiến nghị gì với Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng ở Trung ương trong việc hỗ trợ địa phương trong vấn đề ATTP cũng như nâng cao công tác này trong thời gian tới?
Trước tiên, trọng tâm của chúng tôi là tập trung vào công tác phối hợp liên ngành để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường. Đồng thời, với việc kiểm tra, kiểm soát đó là vận động các doanh nghiệp, những nhà phân phối lớn trên địa bàn thực hiện bán hàng đến tận tay người dân, nhất là người dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh như tổ chức các phiên chợ hay các chuyến xe đưa hàng Việt về miền núi… nhằm bán cho bà con những hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng. Nhờ đó, đã được bà con ủng hộ và tin dùng. Đây là biện pháp quyết định đến việc hạn chế thấp nhất việc hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường khu vực vùng cao.
Để nâng cao công tác bảo đảm ATTP, chúng tôi đề nghị tăng cường tập huấn cho cán bộ làm công tác ATTP, vì lực lượng này hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm. Hiện nay, ở Yên Bái, chúng tôi phải phân công cho cán bộ văn hóa xã để thực hiện việc kiểm soát ATTP nên có nhiều bất cập, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả của công tác, mặc dù đã được hỗ trợ từ các ngành các cấp nhưng không thể bằng cán bộ chuyên trách.
Thứ hai là vấn đề về kinh phí, hiện nay việc test mẫu, đưa đi kiểm nghiệm để có kết quả về ATTP thường mất nhiều thời gian và kinh phí không nhỏ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành Trung ương quan tâm hơn về mặt kinh phí, nhất là cho các địa phương, các huyện vùng sâu, vùng xa để đảm bảo hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực ATTP. Đồng thời, có những chương trình liên quan đến các điểm bán hàng bình ổn giá, các chợ ATTP.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang