Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 19:50

Thứ tư, 24/04/2024 | 19:50

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:41 ngày 02/10/2015

Tưới nước nuôi dưỡng cây con bạch đàn

TÓM TẮT

Bạch đàn urô (Eucalyptus urophylla S.T Blake) có năng suất gỗ cao, thân thẳng, tỉa cành tự nhiên tốt, có khả năng chịu gió bão, thích hợp cho trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu giấy chu kỳ kinh doanh ngắn. Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đã khảo nghiệm dòng vô tính, chọn tạo được 11 giống dòng vô tính thuộc loài Bạch đàn urô. Tuy nhiên, việc khai thác và phát triển các nguồn gen quý hiếm này còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Một trong số đó là về tưới nước trong gieo ươm cây mô. Kết quả nghiên cứu này cho thấy cây con Bạch đàn dòng PN24, PN47, PN54, PN108 và PN116 có cường độ thoát hơi nước trong buổi chiều nhiều hơn trong buổi sáng. Khi cây ở cỡ tuổi T45 có cường độ thoát hơi nước cao gấp 9-10 lần so với khi cây ở cỡ tuổi T10 và T20. Lượng nước tưới nuôi dưỡng cây Bạch đàn dòng PN24, PN47, PN54, PN108 và PN116 nên có sự điều chỉnh, buổi chiều tưới nhiều hơn và tăng dần theo tuổi cây con. Tính đến khi cây con được 3 tháng tuổi, kiểu tưới không ảnh hưởng đến sinh trưởng chiều cao và đường kính cổ rễ cây con, nhưng hệ số biến động chiều cao và đường kính cây con ở kiểu tưới ngấm dưới lên thấp hơn của kiểu tưới phun. Kiểu tưới ngấm dưới lên có tỷ lệ cây sống và tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn nhiều hơn kiểu tưới phun trên xuống. Để tăng tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn, nên sử dụng kiểu tưới ngấm cho cây con Bạch đàn dòng PN24, PN47, PN54, PN108 và PN116.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bạch đàn urô (Eucalyptus urophylla S.T Blake) là loài cây có khả năng sinh trưởng nhanh, biên độ sinh thái rộng, dễ gây trồng trên nhiều dạng lập địa, năng suất gỗ cao, thân thẳng, tỉa cành tự nhiên tốt, có khả năng chịu gió bão, thích hợp cho trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu giấy chu kỳ kinh doanh ngắn (Eldridge K et al., 1996).

Khoảng cuối những năm 1990, đã tiến hành chọn lọc cây trội và khảo nghiệm dòng vô tính với loài Bạch đàn urô, qua đó chọn tạo được 11 giống, bao gồm PN2, PN14, PN3d, PN54, PN47, PN24, PN46, PN47, PN108, PN116, PN21. Các giống Bạch đàn này có nhiều đặc tính quý hiếm như tốc độ sinh trưởng nhanh, dạng thân thon đẹp, đoạn thân dưới cành dài, kháng được một số loại sâu bệnh hại (Huỳnh Đức Nhân et al., 2007) [2]. Ứng dụng công nghệ mô - hom, bắt đầu từ năm 1998 đã sản xuất được cây giống từ nguồn gen Bạch đàn PN2, PN14 để phục vụ trồng rừng. Tuy nhiên khai thác và phát triển các nguồn gen Bạch đàn còn lại chưa làm được bởi một trong những nguyên nhân là sự hiểu biết về sử dụng nước của cây con trong giai đoạn vườn ươm còn hạn chế, cụ thể là: Trong mỗi giờ sinh sống, cây con cần tối thiểu bao nhiêu nước? Nước được tưới theo phương thức nào giúp cho cây con sinh trưởng tốt hơn? Vì vậy trong khuôn khổ nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen cây Bạch đàn làm nguyên liệu giấy” chúng tôi "nghiên cứu tưới nước nuôi dưỡng cây con bạch đàn dòng PN24, PN54, PN47, PN108 và PN116".

2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Vật liệu nghiên cứu

          Thí nghiệm được tiến hành với cây giống Bạch đàn PN24, PN47, PN54, PN108 và PN116. Cây mầm được sản xuất bằng công nghệ nuôi cây mô tế bào (gọi tắt là cây mô), cây sạch bệnh, chiều cao 2,5-3cm, đường kính cổ rễ 1-1,5mm, đỉnh sinh trưởng khỏe mạnh, mỗi cây mầm có 2-3 lá.

2.2. Bố trí thí nghiệm, thu thập và phân tích số liệu

Nghiên cứu cường độ thoát hơi nước của cây con được thực hiện ở vụ Đông Xuân (từ tháng 10-03) và Hè Thu (từ tháng 4-9). Trong mỗi vụ, đánh giá cường độ thoát hơi nước theo từng giai đoạn phát triển của cây con, tương ứng với 3 cỡ tuổi (1-10 ngày tuổi; 11-20 ngày tuổi và 45 ngày tuổi). Mỗi ô đo đếm số liệu có 30 cây (5 hàng x 6 cây/hàng) cùng tuổi. Cường độ thoát hơi nước (In) là khối lượng nước của cây thoát ra không khí trong một đơn vị thời gian. In được tính theo công thức In = (M0 - Mt)/t. Trong đó M0 và Mt lần lượt là khối lượng cây con ở thời điểm ban đầu và ở thời điểm sau khoảng thời gian t, được xác định bằng cân điện tử Sartorius CPA2202S (độ chính xác 0,01g).

Nghiên cứu phương thức tưới nước nuôi dưỡng cây con cũng được thực hiện ở vụ Đông Xuân (từ tháng 10-03) và Hè Thu (từ tháng 4-9). Mỗi ô đo đếm số liệu có 30 cây (5 hàng x 6 cây/hàng) cùng tuổi. Số liệu được thu thập khi cây con 3 tháng tuổi, bao gồm: Số lượng cây sống, chiều cao cây, đường kính cổ rễ, cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn.

Số liệu thực nghiệm được phân tích thống kê bằng phần mềm SPSS (Ver16.0).

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Cường độ thoát hơi nước của cây con Bạch đàn ở ba cỡ tuổi

Bảng 3. 1. Cường độ thoát hơi nước (mg/h) của cây con Bạch đàn PN24, PN47, PN54, PN108, PN116 ở cỡ tuổi T10 (sau cấy 1-10 ngày)



Kết quả tổng hợp ở Bảng 3.1 cho thấy, trong điều kiện vụ Đông Xuân, cây con của 5 giống Bạch đàn khi ở cỡ tuổi T10 đều có cường độ thoát hơi nước trong buổi sáng thấp hơn buổi chiều khoảng 2 mg/h. So sánh bằng tiêu chuẩn t-Student cho thấy, ở cỡ tuổi T10, cây của cả 5 giống Bạch đàn đều có sự khác biệt về In giữa 2 buổi. Trong vụ Hè Thu, In giữa buổi sáng và buổi chiều có 2 hướng diễn biến trái chiều, cụ thể là cây PN108 có In buổi chiều lớn hơn buổi sáng (103,43 mg/h so với 103,48 mg/h), ngược lại cây PN24, PN47, PN54 và PN116 có In buổi sáng nhiều hơn buổi chiều, lượng nước thoát hơi chênh lệch từ 0,11 - 0,13 mg/h (103,38 - 103,58 mg/h so với 103,27 - 103,51 mg/h). Tuy nhiên, qua kiểm tra bằng tiêu chuẩn t-Student cho thấy đó không phải là sai khác có ý nghĩa thống kê. Như vậy, trong vụ Hè Thu, cây con Bạch đàn PN24, PN54, PN108, PN116 ở cỡ tuổi T10 (từ 1 - 10 ngày tuổi) có In giữa buổi sáng với buổi chiều như nhau, nhưng trong vụ Đông Xuân thì buổi chiều cây có In nhiều hơn buổi sáng.

Bảng 3. 2. Cường độ thoát hơi nước (mg/h) của cây Bạch đàn PN24, PN47, PN54, PN108, PN116 ở cỡ tuổi T20 (sau cấy 11-20 ngày)

 

Kết quả tổng hợp Bảng 3.2 cho thấy, trong vụ Đông Xuân, cây con Bạch đàn PN24, PN47, PN54, PN108 và PN116 ở cỡ tuổi T20 (từ 11-20 ngày tuổi) có In trong buổi sáng ít hơn buổi chiều khoảng từ 1,16 - 3,79 mg/h (108,46 - 113,88 mg/h so với 109,62 - 117,67 mg/h). Trong vụ Hè Thu, cây con của mỗi giống Bạch đàn cũng có sự sai khác về In giữa buổi sáng với buổi chiều, trong đó PN24 có mức chênh lệch lượng nước thoát hơi giữa buổi sáng với buổi chiều nhiều nhất và PN116 có chênh lệch ít nhất (114,85 - 110,11 = 4,74 mg/h). Như vậy, ở cỡ tuổi T20, cây con của cả 5 giống Bạch đàn đều có In khác nhau giữa buổi sáng và buổi chiều.

 

Bảng 3. 3. Cường độ thoát hơi nước (mg/h) của cây Bạch đàn PN24, PN47, PN54, PN108, PN116 ở cỡ tuổi T45 (sau cấy 45 ngày)

 

3.2. Ảnh hưởng của phương thức tưới nước nuôi dưỡng đến sinh trưởng và chất lượng cây con         

Kết quả tổng hợp ở Bảng 3.3 cho thấy nhìn chung cây con của các giống Bạch đàn ở cỡ tuổi T45 có In cao hơn cỡ tuổi T10 và T20 từ 9 - 10 lần. Trong vụ Đông Xuân, ở cỡ tuổi T45, cây con của tất cả 5 giống Bạch đàn đều có In trong buổi chiều nhiều hơn trong buổi sáng (từ 912,32 - 987,45 mg/h so với 843,5 -  978,46 mg/h). So sánh bằng tiêu chuẩn thống kê t-Student cho thấy, trong vụ Đông Xuân, ở cỡ tuổi T45, cây con của cả 5 giống Bạch đàn đều có In trong buổi sáng sai khác rõ rệt với buổi chiều. Trong vụ Hè Thu, cây con Bạch đàn PN116 cỡ tuổi T45 có In buổi sáng nhiều hơn buổi chiều (1.012,2 mg/h so với 1.008,47 mg/h), ngược lại cây Bạch đàn PN24, PN47, PN54, PN108 cỡ tuổi T45 lại có In trong buổi chiều nhiều hơn trong buổi sáng (từ 1.038,83 - 1.093,23 mg/h so với 1.115,7 - 1.121,3 mg/h). So sánh bằng tiêu chuẩn thống kê t-Student cho thấy, trong vụ Hè Thu, ở cỡ tuổi T45, cây con của cả 5 giống Bạch đàn đều có In trong buổi sáng sai khác rõ rệt với buổi chiều.

 

3.2.1. Với giống Bạch đàn PN24

Bảng 3. 4. Chiều cao và đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN24

 

 

Kết quả tổng hợp ở Bảng 3.4 cho thấy, ở tuổi 3 tháng cây Bạch đàn PN24 khi được tưới nước kiểu ngấm dưới lên có chiều cao bình quân là 27,53 cm. Chiều cao cây không có sự sai khác rõ rệt giữa 2 kiểu tưới nước nhưng chiều cao của những cây Bạch đàn PN24 trong kiểu tưới ngấm lại biến động ít hơn (0,91% so với 9,98%), nghĩa là so với kiểu tưới phun trên xuống thì các cây Bạch đàn PN24 được tưới ngấm dưới lên có chiều cao đồng đều hơn. Đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN24 kiểu tưới ngấm tuy to hơn của kiểu tưới phun (2,14 mm so với 2,11 mm), nhưng đó chưa phải là những sai khác có ý nghĩa thống kê. Có thể thấy là với cây Bạch đàn PN24, kiểu tưới ngấm dưới lên không chỉ đồng đều về chiều cao mà chúng còn đồng đều hơn cả về đường kính cổ rễ. So sánh bằng tiêu chuẩn phù hợp χ2 cho thấy phân phối cây sống, cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn của Bạch đàn PN24 hoàn toàn phụ thuộc vào kiểu tưới nước và với 2 kiểu tưới trong thí nghiệm này thì tưới ngấm dưới lên có hiệu quả tác động đến tỷ lệ cây sống và tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn tốt hơn kiểu tưới phun trên xuống.

3.2.2. Với giống Bạch đàn PN54

Bảng 3. 5. Chiều cao và đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN54

 

Kết quả tổng hợp ở Bảng 3.5 cho thấy những cây Bạch đàn PN54 được tưới nước theo kiểu ngấm dưới lên ở tuổi 3 tháng có chiều cao bình quân là 25,57 cm, cao hơn của những cây được tưới theo kiểu phun trên xuống là 1,04 cm. Tuy chiều cao cây không có sự sai khác rõ rệt giữa 2 kiểu tưới nước nhưng kiểu tưới ngấm lại biến động ít hơn (0,81% so với 2,65%), điều đó cũng có nghĩa là so với kiểu tưới phun trên xuống thì kiểu tưới ngấm dưới lên có chiều cao đồng đều hơn. Đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN54 kiểu tưới ngấm bé hơn của kiểu tưới phun (2,25 mm so với 2,27 mm. Đường kính cổ rễ của cả 2 kiểu tưới đều có hệ số biến động rất thấp (0,44% và 1,11%) nhưng có thể thấy là những cây Bạch đàn PN54 kiểu tưới ngấm dưới lên không chỉ đồng đều về chiều cao mà chúng còn đồng đều hơn cả về đường kính cổ rễ. Tưới nước theo kiểu tưới ngấm dưới lên có tỷ lệ sống cao hơn kiểu tưới phun trên xuống khoảng 2,22% và tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn cũng cao hơn khoảng 9,22%. So sánh bằng tiêu chuẩn phù hợp χ2 cho thấy phân phối cây sống của giống Bạch đàn PN54 không phụ thuộc vào kiểu tưới nước, nhưng phân phối cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn phụ thuộc vào kiểu tưới nước, tưới ngấm dưới lên có hiệu quả tác động đến tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn tốt hơn kiểu tưới phun trên xuống.Ghi chú: H: chiều cao cây; D0: Đường kính thân cây ở vị trí cổ rễ; SH và SD: Hệ số biến động chiều cao và đường kính

3.2.3. Với giống Bạch đàn PN108

Bảng 3. 6. Chiều cao và đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN108

 

Kết quả tổng hợp ở Bảng 3.6 cho thấy những cây Bạch đàn PN108 được tưới nước theo kiểu ngấm dưới lên ở tuổi 3 tháng có chiều cao bình quân là 26,67 cm, cao hơn của những cây được tưới theo kiểu phun trên xuống là 0,17 cm. Tuy chiều cao cây không có sự sai khác rõ rệt giữa 2 kiểu tưới nước nhưng chiều cao của những cây Bạch đàn PN108 trong kiểu tưới ngấm lại biến động ít hơn (0,57% so với 3,72%), điều đó cũng có nghĩa là so với kiểu tưới phun trên xuống thì các cây Bạch đàn PN108 kiểu tưới ngấm dưới lên có chiều cao đồng đều hơn. Đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN108 kiểu tưới ngấm bằng của kiểu tưới phun (2,19 mm). Đường kính cổ rễ của cả 2 kiểu tưới đều có hệ số biến động rất thấp (0,46% và 0,91%). Cây Bạch đàn PN108 tưới nước theo kiểu tưới ngấm dưới lên có tỷ lệ sống cao hơn kiểu tưới phun trên xuống khoảng 11,11% (97,78% so với 86,67%) và tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn cũng cao hơn khoảng 2,15% (93,18% so với 91,03%). So sánh bằng tiêu chuẩn phù hợp χ2 cho thấy phân phối cây sống của giống Bạch đàn PN108 phụ thuộc vào kiểu tưới nước và với 2 kiểu tưới trong thí nghiệm này thì tưới ngấm dưới lên có hiệu quả tác động đến tỷ lệ cây sống tốt hơn kiểu tưới phun trên xuống, nhưng phân phối cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn không phụ thuộc vào kiểu tưới nước.

3.2.4. Với giống Bạch đàn PN116

Bảng 3. 7. Chiều cao và đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN116

 

Kết quả tổng hợp ở Bảng 3.7 cho thấy những cây Bạch đàn PN116 được tưới nước theo kiểu ngấm dưới lên ở tuổi 3 tháng có chiều cao bình quân là 26,33 cm, cao hơn của những cây được tưới theo kiểu phun trên xuống là 1,56 cm. Chiều cao cây có sự sai khác rõ rệt giữa 2 kiểu tưới nước và chiều cao của những cây Bạch đàn PN116 trong kiểu tưới ngấm biến động ít hơn (0,58% so với 1,68%), điều đó cũng có nghĩa là so với kiểu tưới phun trên xuống thì các cây Bạch đàn PN116 kiểu tưới ngấm dưới lên có chiều cao cao hơn và đồng đều hơn. Đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN116 kiểu tưới ngấm to hơn của kiểu tưới phun là 0,01 mm và giữa 2 kiểu tưới không có sai khác. Đường kính cổ rễ của cả 2 kiểu tưới đều có hệ số biến động rất thấp (0,46% và 1,17%). Cây Bạch đàn PN116 tưới nước theo kiểu tưới ngấm dưới lên có tỷ lệ sống cao hơn kiểu tưới phun trên xuống khoảng 3,34% (97,78% so với 94,44%) và tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn cũng cao hơn khoảng 4% (96,59% so với 90,59%). So sánh bằng tiêu chuẩn phù hợp χ2 cho thấy phân phối cây sống, cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn của giống Bạch đàn PN116 không phụ thuộc vào kiểu tưới nước.

3.2.5. Với giống Bạch đàn PN47

Kết quả tổng hợp ở Bảng 3.8 cho thấy những cây Bạch đàn PN47 được tưới nước theo kiểu ngấm dưới lên ở tuổi 3 tháng có chiều cao bình quân là 26,17 cm, thấp hơn của những cây được tưới theo kiểu phun trên xuống là 0,2 cm.

Bảng 3. 8. Chiều cao và đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN47

Chiều cao cây không có sự sai khác rõ rệt giữa 2 kiểu tưới nước (Sig = 0,06 > 0,05), chiều cao của những cây Bạch đàn PN47 trong kiểu tưới ngấm biến động ít hơn (2,21% so với 7,36%), điều đó cũng có nghĩa là so với kiểu tưới phun trên xuống thì các cây Bạch đàn PN47 kiểu tưới ngấm dưới lên có chiều cao đồng đều hơn. Đường kính cổ rễ của cây Bạch đàn PN47 kiểu tưới ngấm to hơn của kiểu tưới phun là 0,04 mm và giữa 2 kiểu tưới không có sai khác. Đường kính cổ rễ của cả 2 kiểu tưới đều có hệ số biến động rất thấp (1,86% và 2,07%). Cây Bạch đàn PN47 tưới nước theo kiểu tưới ngấm dưới lên có tỷ lệ sống cao hơn kiểu tưới phun trên xuống khoảng 2,2% (91,1% so với 88,9%) và tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn cũng cao hơn khoảng 11,3% (95,1% so với 83,8%). So sánh bằng tiêu chuẩn phù hợp χ2 cho thấy phân phối cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn của giống Bạch đàn PN47 phụ thuộc vào kiểu tưới nước.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Đa số các trường hợp cây con Bạch đàn dòng PN24, PN47, PN54, PN108 và PN116 có cường độ thoát hơi nước trong buổi chiều nhiều hơn trong buổi sáng. Khi cây ở cỡ tuổi T45 có cường độ thoát hơi nước cao gấp 9-10 lần so với khi cây ở cỡ tuổi T10 và T20. Lượng nước tưới nuôi dưỡng cây Bạch đàn dòng PN24, PN47, PN54, PN108 và PN116 nên có sự điều chỉnh, buổi chiều tưới nhiều hơn và tăng dần theo tuổi cây con.

Tính đến khi cây con được 3 tháng tuổi, kiểu tưới không ảnh hưởng đến sinh trưởng chiều cao và đường kính cổ rễ cây con nhưng hệ số biến động chiều cao và đường kính cây con ở kiểu tưới ngấm dưới lên thấp hơn của kiểu tưới phun. Kiểu tưới ngấm dưới lên có tỷ lệ cây sống và tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn nhiều hơn kiểu tưới phun trên xuống. Để tăng tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn, nên sử dụng kiểu tưới ngấm cho cây con Bạch đàn dòng PN24, PN47, PN54, PN108 và PN116.

Lê Thị Yến

 
lên đầu trang