Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 17:48

Thứ năm, 25/04/2024 | 17:48

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 09:25 ngày 17/05/2021

Viện Nghiên cứu Cơ khí vững vai trò nội địa hóa thiết bị công nghiệp

Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime) đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành Cơ khí Việt Nam trong chương trình nội địa hoá thiết bị và hệ thống các nhà máy công nghiệp
Viện Nghiên cứu Cơ khí
Vững vai trò nội địa hóa
Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) là cơ quan nghiên cứu triển khai của Nhà nước về khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí và tự động hoá. Ngay từ những ngày đầu thành lập Viện đã xác định nhiệm vụ nội địa hóa thiết bị và hệ thống của các nhà máy công nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị.
Trong những năm qua, Narime thực hiện phương châm gắn chặt các hoạt động nghiên cứu với các chương trình kinh tế xã hội. Trung bình mỗi năm Viện thực hiện khoảng 5 đến 10 đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) các cấp. Hầu hết các đề tài này đều bắt nguồn từ thực tế sản xuất tại nhà máy, công ty của nhiều bộ, ngành khác nhau, trong đó tập trung nghiên cứu, thiết kế mới, thiết kế cải tiến, chế tạo thiết bị, phục hồi sửa chữa thiết bị, phụ tùng máy móc có giá trị kinh tế cao.
Các đề tài do Viện thực hiện đã đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, chủ động trong kế hoạch sản xuất. Rất nhiều đề tài sau khi thực hiện đã triển khai áp dụng hiệu quả tại những công trình, nhà máy, cơ sở sản xuất và được đánh giá cao.
Với định hướng phục vụ cho các chương trình kinh tế lớn của đất nước, Narime đầu tư sớm, đầu tư sâu để đón bắt, đáp ứng các chương trình này. Theo đó, Narime đã tham gia vào các chương trình kinh tế lớn của đất nước trong các ngành công nghiệp như: xi măng, thủy điện, nhiệt điện, công nghiệp khai thác và chế biến bô xít, giàn khoan,...
Lọc bụi tĩnh điện ESP Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 công suất 2 x 300 MW
Được sự hỗ trợ từ các nguồn lực tài chính từ Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với nguồn lực tài chính từ các hợp đồng kinh tế lớn, thời gian qua, Viện đã đạt được một số thành công đáng ghi nhận trong hoạt động nghiên cứu như: Làm chủ về thiết kế và chế tạo các thiết bị phụ trợ từng bước làm chủ việc thiết kế nhà máy, quản lý dự án, tích hợp thiết bị đưa vào vận hành cho các nhà máy nhà máy chế biến bauxít; Làm chủ thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động hóa cho các dây chuyền công nghiệp như nhà máy giấy, xi măng, thủy điện nhỏ; làm chủ công nghệ xử lý rác thải và phát điện từ rác thải.
Trong lĩnh vực thủy điện ngoài việc tham gia đề xuất chiến lược nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công, Viện còn bắt tay vào thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện. Tiêu biểu là hai dự án cấp đặc biệt là Sơn la (2400MW) và Lai Châu (1200MW).
Đối với lĩnh vực nhiệt điện, Viện đã làm chủ thiết kế, chế tạo một số hệ thống thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện như hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
Ngoài ra, Viện đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ các công nghệ mới như: Công nghệ, thiết bị thải khô bùn đỏ, hệ thống sử lý sự cố môi trường; thiết kế, chế tạo dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy, robot và hệ thống kho chứa thông minh cho các nhà máy sản xuất công nghiệp; hệ thống kho nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất xi măng; công nghệ thiết bị năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Dây chuyền lắp ráp bánh xe sử dụng robot do Narime nghiên cứu, chế tạo
Thành công nhờ năng lực và nguồn nhân lực chất lượng cao
Để làm chủ công tác thiết kế, chế tạo cho các ngành công nghiệp, Viện đã đào tạo nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức như tự đào tạo nâng cao kiến thức về cơ khí, tự động hóa, hợp tác với các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực này để học hỏi, nhận chuyển giao công nghệ không chỉ về cơ khí, tự động hóa mà còn kiến thức công nghệ về các chuyên ngành khác.
Về chuyển giao công nghệ, nếu như trong giai đoạn trước, Viện tập tập trung nhận chuyển giao trong quá trình thực hiện dự án, thì trong những năm gần đây, Viện đã có khả năng mua thiết kế, thuê chuyên gia thậm chí mua giấy phép (chuyển giao công nghệ) của các công ty có công nghệ tiên tiến, nhờ đó, năng lực của Viện được cải thiện nhanh chóng.
Về chế tạo, cung cấp thiết bị, Viện chủ trương liên kết với các nhà sản xuất trong và ngoài nước, trong đó các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp một số máy và thiết bị quan trọng của hệ thống hay sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, Viện đầu tư một số công nghệ chế tạo để chế tạo một số sản phẩm hay chi tiết quan trọng của thiết bị nhằm giảm dần tỷ lệ nhập ngoại. Thiết bị có thể chế tạo trong nước hay phần kết cấu thép thì tổ chức liên kết với đơn vị chế tạo cơ khí trong nước thực hiện. Trong các công việc này, Narime trực tiếp thực hiện phần tích hợp hệ thống, phần chạy thử, đưa vào vận hành với sự giúp đỡ của chuyên gia hoặc công ty nước ngoài có uy tín và thương hiệu.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn luôn được Narime chú trọng. (Nguồn: Narime)
Để có thể làm chủ về công nghệ tư vấn thiết kế, Viện xác định nguồn nhân lực là một trong những những yếu tố quyết định, do đó công tác tuyển dụng, đào tạo ngắn hạn, dài hạn luôn được chú trọng. Về tuyển dụng, cán bộ được tuyển dụng phải theo một qui trình tuyển dụng chặt chẽ, có sát hạch về kiến thức chuyên ngành, về trình độ ngoại ngữ. Sau khi tuyển dụng cán bộ trẻ được thử thách trong các dự án cụ thể với sự kèm cặp của cán bộ có kinh nghiệm của Viện, các cán bộ này được học các khóa ngắn hạn về chuyên ngành, về quản lý dự án, về ngoại ngữ. Các cán bộ lâu năm hơn được tham gia các khóa học thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài Viện. Đặc biệt, Viện có hợp tác với một số trường đại học tại Hàn Quốc để đào tạo sau đại học cho cán bộ Viện. Đến nay, đã có hàng chục cán bộ hoàn thành xuất xuất xắc khóa học tại đây và hiện đang nắm vai trò quan trọng trong các dự án của Viện.
Với chiến lược phát triển đúng đắn, những giải pháp thiết thực, Viên Nghiên cứu Cơ khí xác định rõ trong các năm tiếp theo, Viện vẫn duy trì và phát triển các lĩnh vực hoạt động chính theo chức năng nhiệm vụ là nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh và đào tạo để đóng góp nhiều hơn vào các chương trình phát triển kinh tế, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Định hướng phát triển Viện Nghiên cứu Cơ khí đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trở thành nhà thầu EPC, EPCM có uy tín trong lĩnh vực khai thác và chế biến bô xít, nhiệt điện; đồng thời là nhà cung cấp các giải pháp có uy tín trong nước cho ngành công nghiệp phụ trợ và nghiên cứu, phát triển thành công các hệ thống kho chứa thông minh cho các ngành kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Mai Anh
lên đầu trang