Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:06

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:06

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:57 ngày 13/05/2021

Tái chế pin năng lượng mặt trời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc nghiên cứu tái chế pin năng lượng mặt trời góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn theo xu hướng chung của thế giới.
Nghiên cứu tái chế pin năng lượng mặt trời góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần tại Việt Nam (Nguồn: Internet).
Điện mặt trời là xu hướng tất yếu
Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điện năng sản xuất từ điện mặt trời sẽ đạt khoảng 35,4 tỷ kWh vào năm 2030 và tăng lên 210 tỷ kWh vào năm 2050.
Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trung bình một nguồn điện mặt trời công suất 1 MWp sẽ thải ra gần 70 tấn phế thải sau khoảng 20 - 25 năm kể từ ngày nguồn bắt đầu phát điện. Như vậy, theo dự báo, lượng phế thải từ các tấm pin mặt trời này có thể lên đến hàng triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, điện mặt trời là xu hướng tất yếu của ngành Năng lượng Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Ông Hội cho biết, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cần đặt trong bối cảnh tổng thể các giải pháp, đặc biệt trong vấn đề xử lý nguồn rác thải từ việc phát triển nguồn năng lượng này.
Giải pháp tái chế pin năng lượng mặt trời
Trao đổi về kinh nghiệm xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước trên thế giới, ông Đào Trần Nhân - Hiệp hội Thông tin tư vấn Kinh tế Thương mại (VICETA) cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật mới “Chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng sẽ có hiệu lực từ năm 2023”. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu phải đóng phí tái chế, dự kiến là 1,04USD/kg.
Còn Thụy Sỹ tận dụng những vật tư, linh kiện còn giá trị sử dụng và tiêu hủy những vật tư không còn giá trị sử dụng, dùng các tấm pin năng lượng mặt trời làm nguồn nguyên liệu chế tạo pin xe điện (như ô tô, xe máy).
Đề xuất các giải pháp xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam, ông Đào Trần Nhân kiến nghị: Đối với nhóm giải pháp về chính sách, cần xây dựng quy định về thời gian ngừng hoạt động, lưu trữ hoặc tái chế tấm pin mặt trời và có quy chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng giữa các bên.
Đối với nhóm giải pháp về công nghệ, cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể đối với từng loại pin và xây dựng quy chế giám sát, kiểm soát chất lượng pin năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó cần có cơ chế khuyến khích tái chế cũng như xây dựng các chế tài xử phạt đúng quy định khi có vi phạm.
TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cũng đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc thu gom, xử lý pin hết hạn sử dụng.
Thứ hai, quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải “thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật”.
Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng và sớm hình thành bộ phận quản lý môi trường xây dựng các quy định và giám sát việc quản lý cuối cùng đối với các tấm pin năng lượng mặt trời.
Thứ tư, xây dựng cơ chế và đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế tấm pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam.
Thứ năm, cần có cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực.
Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền về ý thức trong việc sử dụng, thu gom và tái chế pin năng lượng mặt trời một cách hiệu quả.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng, đối với Việt Nam, khối lượng chất thải từ tấm pin mặt trời tuy khá nhỏ so với các nước dẫn đầu, tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ pin mặt trời. Ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp tái chế pin mặt trời trong tương lai.
Theo Báo Xây dựng
lên đầu trang