Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:05

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:05

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:51 ngày 19/05/2021

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các cơ sở đào tạo phải tập trung xây dựng chiến lược phù hợp với xu thế của thời đại

Chất lượng đào tạo phải được thể hiện ở việc sinh viên ra trường có việc làm, làm việc đúng với chuyên môn đào tạo; nguồn nhân lực đào tạo phải hấp dẫn được thị trường lao động, nhà tuyển dụng cũng như đáp ứng được nhu cầu nhân lực của ngành Công Thương và xã hội chứ không phải chỉ dừng lại ở công suất tuyển sinh. Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi làm việc trực tuyến của Bộ trưởng với các trường đại học thuộc Bộ, chiều ngày 18/5/2021.
Buổi làm việc trực tuyến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với các trường đại học thuộc Bộ
Khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương – cho biết, khối các trường đại học của Bộ Công Thương có 9 cơ sở đào tạo, tại 6 tỉnh, thành phố. Hiện quy mô đào tạo của các trường chiếm khoảng 65% tổng quy mô đào tạo của tất cả các trường thuộc Bộ. Đồng thời, các trường đang thúc đẩy đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng vẫn giữ gìn, phát triển thương hiệu trên thị trường đào tạo đối với một số ngành kỹ thuật, như cơ khí, điện, điện tử. 5 trường đã hoàn thành việc thành lập Hội đồng trường, trình độ đội ngũ các cán bộ quản lý, giảng viên có sự cải thiện; các trường chủ động tiếp cận công nghệ 4.0 phục vụ quản lý, nâng cao nâng suất chất lượng lao động.
"Các cơ sở đào tạo đại học của Bộ xuất thân từ các trường dạy nghề công nhân ngành công nghiệp, trải qua bề dày xây dựng và phát triển, đến nay đã trở thành các trường đại học theo định hướng ứng dụng, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Công Thương và xã hội trong các lĩnh vực như cơ khí, hóa chất, điện, điện tử, tự động hóa, kinh doanh"- ông Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ, hiện một số trường quy mô đào tạo chưa ổn định, mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo. Việc tuyển sinh phụ thuộc vào thương hiệu, uy tín, chất lượng đào tạo, vị trí địa lý của cơ sở đào tạo ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tuyển sinh. Việc thành lập hội đồng trường còn vướng mắc do chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về công tác này. Vẫn tồn tại tình trạng thừa giáo viên đối với những trường hoặc những ngành, nghề tuyển sinh thấp. Ngoài ra, hệ thống thiết bị dạy học của nhiều trường không theo kịp công nghệ thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà trường và doanh nghiệp chưa có sự gắn kết bền vững, có chiều sâu, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng như hiệu quả đầu ra của sinh viên.
Bên cạnh đó, hiện các nguồn thu của các trường còn hạn hẹp, chưa đa dạng hóa, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và thu học phí. Các nguồn thu từ dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Ngoài ra, hoạt động hợp tác quốc tế chỉ sôi động ở các trường đại học lớn, thưa thớt ở các trường tỉnh xa do hạn chế về nhân lực, vật lực. Quy định về cho vay lại vốn vay ODA đối với trường còn chặt chẽ dẫn tới các trường ít nguồn thu và khó có khả năng trả nợ nên không thể tham gia dự án.
9 trường đại học tham gia buổi làm việc trực tuyến
Trong báo cáo với lãnh đạo Bộ về thực trạng hoạt động, đại diện các trường tập trung nêu cụ thể những vấn đề vướng mắc, khó khăn mà đơn vị đang gặp phải, như hạn về nguồn lực tài chính, nhất là đối với một số trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn thu có hạn nên gặp khó khăn trong cân đối thu chi, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy.
Đáng chú ý, các trường đã đề cập đến những vướng mắc tồn tại trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ. Theo đó, Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, sau năm 2017 Bộ có 5/9 trường đã thực hiện tự chủ toàn diện, 4 trường còn lại đang chủ động rà soát, củng cố các điều kiện đảm bảo thực hiện tự chủ theo quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Sau thời gian triển khai thực hiện thí điểm, hiệu quả mang lại đối với các đơn vị đào tạo là rất tích cực. Như Đại học Công nghiệp Hà Nội, đã có sự phát triển mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo. Trong đó, theo Hiệu trưởng nhà trường Trần Đức Quý, tỷ lệ tuyển sinh của trường có những đột phá rất ấn tượng, đó là 5 năm trở lại đây là trường thu nhận 110-130 nghìn nguyện vọng, riêng năm 2020 có 137.000 nguyện vọng trong khi chỉ tiêu là 720 sinh viên. “Điều này cho thấy kết quả, chất lượng đầu ra, khả năng có việc làm, thăng tiến của sinh viên nhà trường. Hiện 98% sinh viên của trường có việc làm sau 6-8 tháng tốt nghiệp; 60-70% đúng chuyên môn; lương 9-15 triệu”- ông Quý nói.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế tự chủ khiến các đơn vị phải đối diện nhiều áp lực, cũng như các vướng mắc về triển khai cơ chế đã làm hạn chế hoạt động của trường. Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Trần Đức Quý, có những vấn đề từ chủ trương và thực tiễn rất khác biệt, gây khó khăn trong hoạt động, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực – Trương Huy Hoàng cũng cho rằng, đang còn thiếu sự phân định rạch ròi giữa tự chủ và tự chịu trách nhiệm, có những quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật đã gây khó khăn rất lớn cho các đơn vị đào tạo.
Hiện các trường khá yên tâm thực hiện cơ chế tự chủ, đây chính là bước đà phát triển vững chắc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh – Nguyễn Xuân Hoàn, có những khó khăn chung và khó khăn riêng do đặc thù từng đơn vị. Vì vậy, các trường mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc giữa các luật; có hành lang pháp lý chi tiết để hướng dẫn cho các trường triển khai hoạt động. Đồng thời mở đường tự chủ toàn phần.
Trước các khó khăn, các trường đã đưa ra nhiều kiến nghị đến Bộ Công Thương cũng như các Bộ ngành khác nhằm tạo thuận lợi hơn cho công tác đào tạo. Trong đó, đề nghị Bộ Công Thương ban hành quy chế chính thức về việc thành lập hội đồng trường; đầu tư kinh phí, con người cho việc nâng cao năng lực hoạch định chính sách; thiết kế các chương trình phát triển nguồn nhân lực; dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu viêc làm và đào tạo; định hướng, tổ chức triển khai các mô hình mới cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển sinh,... từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đầu tư xây dựng hệ thống công cụ kết nối đơn vị sử dụng lao động với đơn vị đào tạo, kết nối tuyển dụng - tuyển sinh; đấy mạnh truyền thông trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tạo điều kiện thúc đẩy hiện đại hóa quản trị đại học tại các trường. xây dựng đơn giá đào tạo; áp dụng cách thức đấu thầu, đặt hàng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường
Nắm bắt những vướng mắc của các cơ sở đào tạo, đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ như Vụ Tài chính và đổi mới doanh nghiệp, Vụ Kế hoạch, Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ cũng đã thông tin về những đề xuất tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính; cũng như các giải pháp, định hướng nâng cao chất lượng về nghiên cứu khoa học công nghệ của các trường, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Công Thương.
Cụ thể, Vụ Kế hoạch đã thông tin về một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết trong vấn đề đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Ông Nguyễn Hoàng Giang – Phó Vụ trưởng - cho hay, thực hiện Luật Đầu tư công, Vụ Kế hoạch đã rà soát, xây dựng phương án giao kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và đã đề xuất phương án giải quyết những tồn tại, khó khăn vướng mắc về trong kế hoạch đầu tư công, về điều kiện quyết định chủ trương đầu tư trong bối cạnh đã quá thời kỳ Chiến lược phát triển trường.
Đề cập về vấn đề tuyển sinh theo quy định các trường đại học không được tuyển sinh hệ cao đẳng từ năm 2020, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn - cho rằng, đến nay cơ sở pháp lý yêu cầu các trường đại học chưa rõ ràng, việc không được tiếp tục đào tạo hệ cao đẳng sẽ gây lãng phí lớn do không tận dụng được cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. "Vụ đã kiến nghị các cơ quan liên quan thống nhất ý kiến và có văn bản chỉ đạo trường thiện theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Vụ cũng kiến nghị xây dựng quy định về cơ chế phân cấp cho các trường được thực hiện cho thuê, liên doanh, liên kết đối với trường hợp tài sản công có giá trị lớn" - ông Sơn thông tin.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn
Đẩy mạnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương, định hướng của Bộ Công Thương đối với các đơn vị đào tạo.
Để thực hiện mục tiêu này, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ đó là cần phải tăng cường xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo mở về đối tượng, mở về tài nguyên giáo dục, mở về phương pháp, mở về ý tưởng, mở về địa điểm, mở về công nghệ học tập; tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi; tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới quản trị đại học theo hướng tăng cường tự chủ và ứng dụng công nghệ số.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo; cũng như yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực ngày một lớn trong bối cảnh hội nhập và xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị đào tạo, các trường phải tập trung xây dựng chiến lược phát triển của trường, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, khả năng đào tạo; khẩn trương kiện toàn cơ cấu hệ thống, từ thiết chế, ban giám hiệu; bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện quy định hiện hành; chủ động rà soát vụ việc nổi lên; đánh giá đúng tình hình; tập trung chỉ đạo dứt điểm các vấn đề nội bộ; thực hiện cho được các nguyên tắc của Đảng.
Đồng thời, Bộ trưởng - chỉ rõ, các đơn vị phải chú trọng đào tạo kiến thức nhưng cũng phải chú trọng đào tạo về phẩm chất, nhân cách cho người học; đổi mới công tác quản trị nhà trường trên cơ sở phát huy dân chủ của đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, cần phải phát huy dân chủ của các thiết chế trong nhà trường; tăng cường áp dụng công nghệ số, đầu tư cơ sở vât chất phục vụ giảng dạy, đào tạo trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư ngân sách nhà nước; phải lấy ngân sách nhà nước để dẫn dắt thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng, trang thiết bị giảng dạy của nhà trường. “Các trường phải tích cực mở rộng hợp tác trong và ngoài ngành, nhằm phát huy lợi thế trong đạo tào; tăng cường liên kết các cơ sở sử dụng lao động, cũng như đẩy mạnh liên kết giữa các đơn vị trong hệ thống đào tạo nhằm chia sẻ khó khăn, thuận lợi trong hoạt động" - Bộ trưởng yêu cầu.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị và giao các đơn vị chuyên môn của Bộ căn cứ các kiến nghị của các trường để tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường theo đúng thẩm quyền; có hướng dẫn, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ để sớm có hướng giải quyết kịp thời các vấn đề bất cập, vướng mắc của các cơ sở đào tạo.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang