Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:06

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:06

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 13:16 ngày 20/05/2021

Hệ thống bốc dỡ xi măng chưa đóng bao từ xà lan

Ở Việt Nam, hàng xuất, nhập khẩu có hai dạng chính, là hàng đóng gói có bao bì và hàng rời (hàng chưa được đóng vào bao, thường ở dạng bột, hạt). Hàng rời thường được chứa trong các container và xà lan cỡ lớn. Người ta thường dùng gàu ngoạm, băng tải, vít tải,… để vận chuyển hoặc bốc dỡ loại hàng này.

Thiết bị vận chuyển hàng rời ở các cảng trong nước hiện nay chủ yếu là băng tải cao su, kết hợp với gàu ngoạm. Cách làm này phụ thuộc nhiều vào năng suất của gàu ngoạm, nhưng thiết bị này không làm việc liên tục nên năng suất chưa cao (khoảng 80 – 100 tấn/giờ). Ngoài ra, sử dụng gàu ngoạm thường gây bụi, ô nhiễm môi trường. Các thiết bị bốc dỡ hàng rời hiện phải nhập khẩu với giá khá cao.

Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị bốc dỡ xi măng dạng rời từ xà lan”, nhằm tìm ra phương pháp và nguyên lý phù hợp để vận chuyển xi măng rời từ xà lan với năng suất cao mà không gây bụi, ảnh hưởng đến môi trường.

Nhóm tác giả chọn phương án chế tạo thiết bị vận chuyển hàng rời liên tục hoàn toàn bằng trục vít, với các thành phần chính gồm các cụm vít tải và bộ phận chuyển hướng. Cụ thể, các chi tiết chính của thiết bị gồm vít tải gom vật liệu, vít tải đứng, vít tải nghiêng lên, vít tải nghiêng xuống, cánh quạt ly tâm, xi lanh, vít tải xả liệu,..

Thiết bị bốc dỡ xi măng dạng rời Ảnh: NVCC
Khi làm việc, thiết bị được đặt cách mép xà lan khoảng 3m. Thiết bị sẽ hạ phần ống nạp liệu ngập trong vật liệu ở xà lan. Vật liệu sẽ được nạp vào ống thông qua chuyển động quay của vít tải. Nhờ cánh quạt ly tâm, vật liệu sẽ được chuyển sang ống vít tải tiếp theo để tiếp tục tải hàng, cho đến khi tới ống xả liệu đổ vào container hoặc xilo. Thiết bị này, cho phép lấy hàng liên tục mà không cần thêm bộ phận phụ trợ, có thể gom được hàng ở tất cả các ngóc ngách của xà lan. Ngoài ra, cụm nạp liệu có chức năng vừa đánh tơi, vừa ép vật liệu vào nên dễ vận chuyển và tăng năng suất bốc dỡ. Đồng thời, giảm thiểu bụi do vật liệu trong quá trình chuyển động nằm hoàn toàn trong các ống vít tải.

Thiết bị đã được Công ty Cổ phần máy xây dựng Đại Nam đưa vào thử nghiệm trong việc bốc dỡ xi măng dạng rời, đạt yêu cầu ban đầu đề ra, với năng suất 150 tấn/giờ. Theo nhóm nghiên cứu, việc chế tạo thành công thiết bị và làm chủ công nghệ, là cơ sở khoa học để thiết kế cho các thiết bị vận chuyển hàng rời khác. Vì vậy, nhóm nghiên cứu mong muốn sớm có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Đề tài cũng đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua.
Theo Báo Khoa Học & Phát Triển
lên đầu trang