Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:36

Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:36

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:07 ngày 07/06/2021

Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Để hỗ trợ phát triển kinh tế số, Việt Nam đề ra mục tiêu 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025.
Đây là một trong những điểm nhấn của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đó là Chuyển đổi số quốc gia, chú trọng phát triển kinh tế số, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chỉ tính riêng thương mại điện tử - một phần quan trọng của kinh tế số, năm 2020 đã tăng tới 18%, đạt khoảng hơn 11 tỷ USD. Thương mại điện tử đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người, đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Trong báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" của Google, Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, cao gấp 4,5 lần so với 5 năm trước và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.
Nhiều ngành nghề kinh doanh số sôi động hẳn lên, từ quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội đạt 3 tỷ USD, giải trí, cho đến dịch vụ xe công nghệ đạt khoảng 1 tỷ USD... Đặc biệt, Việt Nam triển khai mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tạo nền tảng thúc đẩy nền kinh tế số và xã hội số.
Chỉ tính riêng Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện có hơn 2.800 dịch vụ công. Chi phí xã hội tiết kiệm hơn 8.000 tỷ đồng/năm.
Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.
Hiệu quả kinh tế số trong các lĩnh vực như giao thông, thương mại điện tử, y tế, dịch vụ công... là thấy rõ nhưng hiện kinh tế số có quy mô còn nhỏ, mức độ tham gia có phần tự phát.
Để hỗ trợ phát triển kinh tế số, Việt Nam cũng đề ra mục tiêu 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025.
Mục tiêu đến đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 1/5 GDP. Đến năm 2030, kinh tế số thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 7 - 16%, tương đương khoảng 28 - 62 tỷ USD. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh kinh doanh số.
Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực về thu hút nguồn vốn đầu tư vào các công ty hoạt động trên nền tảng trực tuyến, với một số thương vụ nổi bật như MoMo, Sendo, Topica..., trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cam kết thử nghiệm sản phẩm, giải pháp kinh doanh số; xây dựng chính sách thuế, phí khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số. Để đạt mục tiêu này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, tổ chức.
Theo Công nghệ & Đời sống
lên đầu trang