Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:52

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:52

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:40 ngày 07/06/2021

Tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển, tăng trưởng bền vững

Ngày 02 tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Cục Hoá chất và các đơn vị liên quan về việc tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển công nghiệp hoá chất, tạo dư địa tăng trưởng bền vững cho những năm tiếp theo.
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện các đơn vị: Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Khoa học và Công Nghệ, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; đại diện Hiệp hội Hóa học Việt Nam, Hiệp hội phân bón Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hóa chất.
Còn nhiều dư địa phát triển ngành hóa chất
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, ngành hóa chất là ngành công nghiệp cơ bản, lâu đời, có đóng góp quan trọng trong hầu hết các hoạt động công nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung. Công nghiệp hóa chất đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển ngành, đã có những đóng góp quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của nhiều thập kỷ trước và đồng hành, hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá, phát triển kinh tế, xã hội trong những thập kỷ gần đây.
Báo cáo về tình hình phát triển ngành công nghiệp hóa chất thời gian qua, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho biết, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hoá khá cao. Theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13-14% toàn ngành công nghiệp.
Tính đến năm 2020, toàn ngành có khoảng 1.818 doanh nghiệp sản xuất phân bổ trên 6 vùng trong cả nước, trong đó 894 doanh nghiệp sản xuất phân bón (chiếm 49%), 106 doanh nghiệp sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (chiếm 6%), 14 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu (chiếm 1%), 68 doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản (chiếm khoảng 4%)… với khoảng 2,7 triệu lao động trong đó có 725.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất.
Tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước rất quan tâm đến đầu tư một số ngành công nghiệp hoá chất. Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh cho rằng điều này sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta có một cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, một trong những hạn chế là công tác quản lý ngành chưa hiệu quả, thiếu thông tin và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương, địa phương chưa đảm bảo thông tin thông suốt, nhiều trường hợp doanh nghiệp, nhà đầu tư không nắm bắt được thông tin, đầu tư, vận hành các dự án chưa tuân thủ quy định về đầu tư xây dựng và an toàn hóa chất. Hơn nữa, công nghiệp hóa chất đòi hỏi quy mô đầu tư rất lớn, công nghệ yêu cầu cao, nghiêm ngặt, tiềm ẩn rủi ro.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn hạn chế về tiềm lực kinh tế, đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải, thiếu công nghệ nguồn. Ở nhiều địa phương, quan niệm và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp hóa chất chưa đầy đủ, lo ngại nguy cơ ô nhiễm và nguy hiểm, dẫn đến các chủ trương phát triển của nhiều địa phương không thu hút đầu tư công nghiệp hóa chất, thay vào đó là một số ngành nghề dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo khác. Những quan niệm này gây khó khăn cho các nhà đầu tư, cản trở sự phát triển của công nghiệp hóa chất, trong khi đây là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, làm tiền đề hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp cũng như cung cấp các sản phẩm thiết yếu quan trọng khác.
Theo đó, Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh hiện nay, Cục Hóa chất đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam và dự kiến, sau khi Chiến lược được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ có đủ thông tin dữ liệu của mỗi phân ngành, những khó khăn vướng mắc để bổ sung các giải pháp phù hợp trong quá trình quản lý và phát triển ngành.
Cần chiến lược phát triển lâu dài
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã lắng nghe những chia sẻ, đề xuất kiến nghị của đại diện Hiệp hội Hóa học Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất và các đơn vị chức năng liên quan.
Trên cơ sở các tham luận, ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, nền công nghiệp đang phát triển mạnh, năng động với thị trường tiêu dùng nội địa gần 100 triệu dân.
Bộ trưởng cũng đánh giá, trong thời gian qua, ngành hóa chất có sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế, nhiều dự án quy mô lớn, cho thấy, nhu cầu của thị trường và chính sách hấp dẫn của nhà nước đối với phát triển công nghiệp và công nghiệp hoá chất nói riêng. Tuy nhiên, đóng góp của ngành còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên, nguyên liệu trong nước dẫn tới chưa làm chủ được thị trường nội địa, nhiều sản phẩm hóa chất quan trọng phục vụ phát triển sản xuất phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Một phần do đặc thù ngành sản xuất hóa chất cần mức đầu tư lớn nên trước đây ngành chủ yếu phụ thuộc vào thành phần kinh tế nhà nước, các dự án đầu tư hầu hết sử dụng vốn nhà nước.
Để phát triển công nghiệp hóa chất trở thành một ngành công nghiệp nền tảng cho phát triển kinh tế đất nước như văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng:
Về phía cơ quan quản lý, thứ nhất, cần phải khẩn trương và tập trung cao để nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành hóa chất Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, bám sát vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết của Đảng, đồng thời, xây dựng kế hoạch để phân kỳ tổ chức thực hiện, đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, bao gồm các sản phẩm hóa chất  có nhu cầu lớn , giá trị gia tăng cao, có lợi thế đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu lựa chọn địa điểm phù hợp, khẩn trương khuyến cáo đến các ngành, các cơ quan chức năng và các địa phương bổ sung trong quá trình quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia đối với ngành hóa chất và công nghiệp hóa chất; Đề xuất giải pháp thu hút đầu tư hình thành các tổ hợp sản xuất kinh doanh hóa chất tập trung, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo yêu cầu về an toàn, môi trường và có tính đến các yếu tố kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ trong ngành hóa chất, tập trung vào việc sử dụng các sản phẩm phụ, chất thải hiện có của ngành làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất các sản phẩm khác.
Thứ tư, đề xuất xây dựng giải pháp phát triển công nghiệp hóa chất xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho con người.
Thứ năm, xây dựng, đề xuất các chính sách để phát triển và quản lý mạng lưới các tổ chức tư vấn đầu tư, hỗ trợ cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về quản lý hóa chất.
Đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, quán triệt thật tốt quan điểm đường lối, chính sách của Đảng. Tận dụng cơ hội, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới để biến thách thức thành cơ hội, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của mình.
Các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về đầu tư sản xuất kinh doanh song song với việc đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chủ động công tác truyền thông, đối thoại với cộng đồng để cải thiện hình ảnh về một nền công nghiệp hóa chất thân thiện với con người và môi trường.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực trong phân tích, dự báo thị trường để bổ sung hoàn thiện chiến lược, kế hoạch phát triển hợp lý, phấn đấu đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ cao để cố gắng giảm thiểu tác động đến môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các doanh nghiệp vừa phát huy nội lực vừa phải tích cực phối hợp với bên ngoài, nhất là liên doanh liên kết trong giai đoạn đầu để vào chuỗi sản xuất cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới, thông qua các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài để đổi mới công nghệ, nâng cao kỹ năng quản lý, từng bước đưa doanh nghiệp mình vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời tích cực tham mưu với Bộ Công Thương trong việc xây dựng chính sách phát triển công nghiệp hóa chất.
Theo moit.gov.vn
lên đầu trang