Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 17:32

Thứ tư, 24/04/2024 | 17:32

Chính sách

Cập nhật lúc 08:29 ngày 14/06/2021

Giải pháp cho Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 2021-2030

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang xây dựng dự thảo Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 với kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần phải có nhiều giải pháp, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá như: Tăng cường gắn kết trường đại học - doanh nghiệp, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đến toàn dân, đầu tư vào các trường đại học trọng điểm để thúc đẩy “chợ công nghệ 4.0”.
Tăng cường gắn kết trường đại học - doanh nghiệp
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2.000 tổ chức KH&CN ngoài công lập, gần 1.600 tổ chức KH&CN công lập; có 261 trường đại học; 141.000 nhà khoa học và khoảng 650.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với trường đại học (trong đó có các nhà khoa học) còn rời rạc, chưa tạo thành hệ sinh thái. Trên thế giới, ở các nước có nền kinh tế phát triển thì xung quanh các trường đại học còn có rất nhiều các doanh nghiệp KH&CN (spin-off); ở đó các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học được phép kết hợp với một công ty bên ngoài để thành lập doanh nghiệp KH&CN. Khi trường đại học làm ra sản phẩm thì ngay lập tức doanh nghiệp KH&CN của họ sẽ đưa sản phẩm đấy ra thị trường, lên sàn giao dịch. Các doanh nghiệp KH&CN còn là nơi để sinh viên thực tập.
Ở Việt Nam do rào cản pháp lý, cụ thể là Luật Viên chức nên chưa có mô hình nào như vậy, dẫn đến chưa có sự kết nối giữa đại học và doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhà nước cần có cơ chế để tháo gỡ rào cản này, giúp cho các trường đại học và doanh nghiệp kết hợp với nhau nhằm tạo ra khoản lợi nhuận lớn hơn. Khi đó, Nhà nước cũng sẽ thu lại được khoản đầu tư thông qua thuế. Đây là một trong những giải pháp quan trọng cần được đề cập trong Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo  giai đoạn 2021-2030.
Ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đến toàn dân
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) tạo ra các sản phẩm công nghệ thông minh và dễ dàng ứng dụng tới mức mà học sinh cấp 2 cũng có thể lập trình, thậm chí những bà cụ già ở miền núi cũng có thể ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh. Ví dụ, trên điện thoại có rất nhiều ứng dụng (App) để người ta có thể kinh doanh trực tuyến, quản lý và giám sát các hoạt động sản xuất mà ai cũng có thể sử dụng. Do vậy, Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn tới không nên chỉ đề cập đến phát triển công nghệ với ý nghĩa là chỉ nên đầu tư phát triển một số công nghệ mà chúng ta không thể nhập khẩu. Thay vào đó, chúng ta cần thúc đẩy ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 trong toàn dân, để từng người dân biết và ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Đến lúc đó, Việt Nam có cơ hội để trở thành "chợ công nghệ 4.0". Chiến lược KH&CN của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang được nghiên cứu và dự thảo theo hướng đó. Hy vọng rằng, Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 sẽ có giải pháp theo hướng ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 đến toàn dân.
Đầu tư vào các trường đại học trọng điểm để thúc đẩy “chợ công nghệ 4.0”
Muốn có thị trường KH&CN thì phải sinh ra các tổ chức trung gian, môi giới công nghệ giữa người dùng và người chế tạo công nghệ. Vì vậy, nhà nước cần quan tâm đầu tư, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển các tổ chức trung gian này. Bên cạnh đó, nhà nước cần đầu tư vào các trường đại học trọng điểm, vì đây là nơi khả năng và tiềm năng sáng tạo lớn nhất, có nhiều nghiên cứu nhất, đặc biệt liên tục có các thế hệ nghiên cứu trẻ là các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh - đội ngũ có tính sáng tạo cao
Kinh nghiệm ở Mỹ cho thấy, Chính phủ Liên bang đầu tư vào các trường đại học rất mạnh (kể cả trường công lẫn trường tư), thậm chí Bộ Quốc phòng Mỹ còn đặt hàng các trường đại học để làm ra các sản phẩm cao cấp trong quân sự như máy bay, tàu vũ trụ... Trung Quốc cũng cũng là quốc gia đang có xu hướng đầu tư mạnh vào khu vực đại học nhằm cạnh tranh với Mỹ.
Nói đến vai trò của các trường đại học trong việc biến Việt Nam thành một "chợ công nghệ 4.0" là nói đến vai trò thực hiện đầy đủ theo 4 bước (nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và nghiên cứu thương mại hóa). Tuy nhiên, phần lớn các trường đại học của ta mới chỉ làm được 2 bước đầu, hầu như không có nghiên cứu thử nghiệm, cũng không có nghiên cứu để thương mại hóa, và kết quả là chúng ta ra nhiều bài báo và sách, trong khi các sản phẩm là sáng chế hay các sản phẩm hoàn chỉnh bán được để các doanh nghiệp nhân rộng đều thiếu vắng, dẫn đến không có thị trường KH&CN. Vì vậy, trong Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sắp tới cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư hơn nữa cho các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học trọng điểm để lấp đầy khoảng trống này, bù đắp cho 2 bước còn khiếm khuyết.
Đại học Quốc gia Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo về Chiến lược KH&CN của mình giai đoạn 2021-2030. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tái cấu trúc tổ chức hoạt động KH&CN theo 4 bước: nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, thử nghiệm và thương mại hóa. Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trương khuyến khích thành lập các tổ chức KH&CN gắn với doanh nghiệp.
Theo: Vjst.vn

lên đầu trang