Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 00:35

Thứ tư, 24/04/2024 | 00:35

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:28 ngày 17/06/2021

Giải pháp thu hồi bụi bột cá và xử lý mùi để bảo vệ môi trường

Hiện nay, các nhà máy chế biến thủy hải sản thường có dây chuyền sản xuất bột cá để tận thu nguồn nguyên liệu dư thừa từ quá trình chế biến. Công nghệ sản xuất bột cá bao gồm các công đoạn chính: thu gom nguyên liệu, nghiền và sấy sản phẩm và đóng bao. Khí thải phát sinh từ quá trình sấy bột cá được đưa qua cyclone để thu hồi bụi bột cá trước khi thải ra ngoài môi trường.
Tuy nhiên đối với việc xử lý khí thải bằng cyclone, chỉ xử lý được các hạt bụi có kích cỡ lớn, các hạt bụi mịn và các thành phần khí gây mùi hôi thì cyclone không xử lý được. Bụi mịn và mùi hôi trong khí thải khi phát tán ra ngoài môi trường gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xung quanh các nhà máy. Chính vì vậy vấn đề nghiên cứu giải pháp bổ sung cho hệ thống xử lý khí thải công đoạn sấy bột cá nhằm hạn chế tối thiểu sự phát thải bụi mịn và mùi hôi ra môi trường là hết sức quan trọng và mang tính chất cấp thiết. 

Xuất phát từ thực tế trên, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phát triển Công nghệ CECO (Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất - Tập đoàn Hóa chất Việt nam) đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thiết bị thu hồi bụi bột cá và xử lý mùi ứng dụng vào các cơ sở sản xuất bột cá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Đây là đề tài nghiên cứu cấp Bộ Công Thương vừa được nghiệm thu cuối năm 2020. 

Thu hồi Bụi bột cá. Ảnh minh họa: congnghiepmoitruong.info
Thông qua kết quả khảo sát đo đạc, lấy mẫu và phân tích một số thông số khí thải tại nhà máy chế biến thủy hải sản Long Hải cho thấy với hệ thống thiết bị xử lý hiện tại của công đoạn sấy sản phẩm bột cá mới xử lý được thành phần bụi mà chưa xử lý được thành phần mùi hôi. Ngoài ra thành phần bụi bột cá thất thoát ra ngoài sẽ phân hủy theo thời gian và cũng là nguyên nhân gây ra mùi. Vì vậy nhóm nghiên cứu đặt vấn đề là tìm giải pháp nhằm thu hồi triệt để bụi và xử lý thành phần gây mùi trong khí thải sau quá trình sấy sản phẩm bột cá.

TS. Đỗ Hoàng Tùng – chủ nhiệm đề tài cho biết, sau quá trình tìm hiểu, tổ thực hiện đề tài quyết định nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện và thiết bị khử mùi bằng plasma để thu hồi bụi bột cá và giảm thiểu ô nhiễm mùi cho môi trường

Từ kết quả thử nghiệm thực tế có thể thấy, hệ thống thu hồi bụi và khử mùi bằng plasma có hiệu quả rất tốt. Hàm lượng bụi đầu ra gần như bằng không và độ mùi cũng gần như không phát hiện thấy. Qua kết quả khảo sát thời gian hấp phụ và xử lý của hệ thống phù hợp nhất là 10 phút tương ứng với hiệu suất oxy hóa là 100%. Tỷ lệ đóng mở cửa lật là 50/50, khi đó bố trí một nửa số lượng cửa lật thường đóng và một nửa thường mở (lệch pha 90º) và luân phiên đổi ca trong suốt quá trình vận hành.

Giải pháp thu hồi bụi và xử lý mùi của khí thải sau quá trình sấy sản phẩm bột cá bằng cách sử dụng thiết bị lọc bụi tĩnh điện và thiết bị khử mùi theo nguyên lý plasma đã cho hiệu quả tốt. Thành phần khí thải đầu ra có hàm lượng bụi rất thấp và gần như hết mùi hôi thối. Có thể thấy, giải pháp khử mùi bằng nguyên lý plasma là một giải pháp mới có nhiều tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác.

Trong phạm vi đề tài nhóm nghiên cứu mới đã đưa ra giải pháp công nghệ khử mùi bằng plasma áp dụng cho khí thải đầu ra của quá trình sấy sản phẩm bột cá. Tuy nhiên hiện nay trong các ngành công nghiệp khác như công nghiệp nhựa, dệt, công nghiệp sơn, sản xuất ô tô… những thành phần gây mùi rất đa dạng với nhiều mức ô nhiễm khác nhau. Đó là một trong những thách thức cho các nhà khoa học nói chung và nhóm nghiên cứu nói riêng trong việc xử lý chất ô nhiễm và làm sạch môi trường.
Hà Trần
lên đầu trang