Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:00

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:00

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:55 ngày 18/06/2021

TP. Hồ Chí Minh: Ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng

Thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai công tác thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố. Qua công tác thanh kiểm tra đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng.
Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn
Trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh quán triệt thực hiện nghiêm túc có hiệu quả mục tiêu trọng tâm đề ra trong công tác quản lý nhà nước về ATTP và thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.
TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh đã ký kết phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương về phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm ATTP.
Mục tiêu kế hoạch phối hợp nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, đã tổ chức thẩm định và cấp 18 giấy chứng nhận cho 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn, với sản lượng rau, củ quả, thịt: 5.926 tấn/năm và 186.815.000 quả trứng gà/năm. Lũy kế đến nay, đã cấp 577 giấy chứng nhận cho 397 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi với tổng sản lượng rau, thịt, thủy sản: 297.919,3 tấn/năm, trứng gà: 584.489.004 quả/năm, nước mắm: 12 triệu lít/năm và trà: 60 tấn/năm.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, TP. Hồ Chí Minh đã thanh tra, kiểm tra 15.270 cơ sở về công tác thực hiện bảo đảm ATTP, phát hiện 724 cơ sở vi phạm, xử phạt 396 cơ sở với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 80.067 kg sản phẩm. Trong đó, Cảnh sát môi trường phát hiện 171 vụ, tịch thu tiêu hủy 5.065 kg tang vật; Cục Quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra chuyên ngành và tham gia liên ngành về ATTP phát hiện có 266 vụ vi phạm.
Trong kiểm tra kiểm soát nhóm hàng hóa thực phẩm trong khâu lưu thông, Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra nhiều vụ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng... và triển khai kịp thời thực hiện Tháng Hành động vì ATTP năm 2021 từ 15/4/2021 đến 15/5/2021 với chủ đề “Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới” góp phần ổn định thị trường, đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, thành phố đã thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền với 53.207 xe, tổng lượng heo nhập: 1.027.668 con; hậu kiểm tại chỗ: 41.445 hồ sơ, trong đó: đạt: 18.324 hồ sơ (tỷ lệ:44,2%); không đạt: 23.121 hồ sơ (tỷ lệ: 55,8%). Tính đến ngày 1/6/2021, chưa ghi nhận có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa dịch
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh cho biết: Công tác bảo đảm ATTP đã được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố. Hồ Chí Minh quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Thành phố đã triển khai các hoạt động truyền thông cách phòng chống bệnh và giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường trong mùa dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh truyền qua đường thực phẩm và các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời giúp người dân hiểu đúng và đầy đủ để tự phòng bị và bảo vệ chính mình nhằm đảm bảo điều kiện ATTP cho người dân trong mùa dịch.
Tuy có khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố thường xuyên bám sát tình hình trên địa bàn không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý đối với tất cả hàng hóa trong đó mặt hàng thực phẩm đóng vai trò then chốt. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng tiến hành trinh sát, quản lý địa bàn, tra cứu trực tuyến các thông tin kinh doanh trên môi trường mạng nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được các đối tượng buôn lậu lợi dụng tình hình khi các lực lượng chức năng dồn sức cho công tác phòng chống dịch bệnh để kinh doanh trái phép.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhất là trong Tháng hành động vì chất lượng ATTP nhằm cung cấp các kiến thức, kinh nghiệm về nghiệp vụ ATTP cho các đối tượng: Người quản lý, người sản xuất, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn, cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, công tác thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố. Qua công tác thanh kiểm tra đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với công tác tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông, huy động tối đa các kênh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân với nội dung phù hợp từng đối tượng thông qua các phương thức truyền thông phong phú, đa dạng.
Đồng thời, phối hợp với các ban ngành trong công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo vào các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền; phối hợp với các sở ngành trong công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã đề ra, giám sát việc chấp hành các quy định về ATTP đối với các cơ sở không đảm bảo ATTP; thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo ATTP kịp thời đối với người tiêu dùng.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang