Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 05:51

Thứ năm, 25/04/2024 | 05:51

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 13:45 ngày 28/06/2021

Kon Tum hình thành những vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn

Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn được tỉnh Kon Tum đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị gia tăng, an toàn cho người tiêu dùng và lợi ích thiết thực cho người sản xuất kinh doanh…
Lan tỏa mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
Với mục tiêu bảo đảm nguồn cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn cho người dân, đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân, thời gian qua, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã duy trì phát triển cánh đồng lớn sản xuất lúa, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn và trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
Tiêu biểu, cánh đồng lớn sản xuất lúa xã Hòa Bình có diện tích 6,81 ha là đất phần trăm của xã, sản xuất giống lúa chất lượng cao RVT, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 7,2 tấn/ha; cánh đồng lớn sản xuất lúa xã Đoàn Kết với quy mô 8,5 ha, sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, năng suất bình quân đạt 7,8 tấn/ha; tổng diện tích lúa an toàn là 14,81 ha, sản lượng 111,432 tấn; tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại phường Thắng Lợi đã được cấp giấy chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP với diện tích 24 ha, sản lượng dự kiến 400 tấn/năm; sản xuất trái cây VietGAP với diện tích 7,5 ha, sản lượng khoảng 100 tấn/năm….
Tại huyện Kon Plông, đến nay trên địa bàn huyện đã thu hút, kêu gọi 67 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng diện tích đất dự kiến sử dụng 4.886,21 ha. Các dự án từng bước thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ. Hay, huyện Ngọc Hồi tiếp tục duy trì vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 60 ha; huyện Đăk Hà tiếp tục duy trì xây dựng 01 vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao có quy mô 500 ha và thực hiện tái canh 645 ha cà phê.
Đối với huyện Sa Thầy đã bàn giao 357,9 ha đất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn TH để thực hiện dự án chăn nuôi nuôi bò sữa và xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày tại xã Mô Rai và thực hiện các thủ tục để xây dựng vùng trồng nguyên liệu (cỏ, ngô) phục vụ chăn nuôi, khảo sát địa chất, hoàn thiện các thủ tục xây dựng trang trại.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương triển khai xây dựng vùng nông nghiệp chăn nuôi công nghệ cao huyện Ia H’Drai… Các huyện, thành phố khác cũng tích cực triển khai xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ để lựa chọn ra những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện địa bàn để chuyển giao cho người nông dân.
Phát huy hiệu quả chuỗi liên kết trong sản xuất
Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh quý II/2021, ông Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh đã duy trì, phát triển 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.109 ha (huyện Kon Plông 170 ha, vùng sản xuất cà phê huyện Đăk Hà 1.939 ha) và đã hình thành 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất.
Cụ thể, cánh đồng lớn 30 ha trồng mía ứng dụng công nghệ cao, liên kết với Công ty Cổ phần đường Kon Tum tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum; cánh đồng lớn 30 ha trồng ngô sinh khối chăn nuôi dê sữa, liên kết với Công ty Cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông; cánh đồng lớn 20 ha trồng lúa nước tại xã Hiếu, huyện Kon Plông.
Bên cạnh đó, cánh đồng lớn 32 ha sản xuất lúa thơm, liên kết tổ hợp tác tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà; cánh đồng lớn 19,1 ha trồng mía, liên kết với Công ty Cổ phần đường Kon Tum tại các xã: Đăk Trăm, Văn Lem, Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô; 2 cánh đồng lớn 407 ha trồng cà phê của 2 tổ hợp tác tại huyện Đăk Hà.
Ngoài ra, xây dựng 17 đơn vị sản xuất nông sản áp dụng chương trình quản lý tiên tiến với diện tích 436,4 ha, triển khai mô hình trồng sâm dây hữu cơ cho các hộ dân tộc thiểu số tại xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei và xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông quy mô 2 ha/40 hộ; duy trì 59 trang trại, hộ chăn nuôi công nghệ cao áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín.
Đặc biệt, tỉnh đã duy trì 42 chuỗi giá trị gồm: 30 chuỗi liên kết chăn nuôi, 1 chuỗi liên kết giá trị nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện tại xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, 11 chuỗi cung ứng nông sản an toàn áp dụng chương trình quản lý tiên tiến trên địa bàn các huyện: Đăk Hà, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông và thành phố Kon Tum.
Để gia tăng giá trị, khẳng định chất lượng sản phẩm, tỉnh đã công nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Đăk Hà” tại 11 xã, thị trấn thuộc huyện Đăk Hà với tổng diện tích trên 9.000 ha; chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tại 3 xã của huyện Đăk Glei và 6 xã của huyện Tu Mơ Rông; nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum. Cùng với đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, chuẩn hóa sản phẩm về quy cách, đóng gói, bao bì, truy xuất nguồn gốc.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang