Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 02:32

Thứ sáu, 19/04/2024 | 02:32

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:09 ngày 02/07/2021

Công nghiệp hỗ trợ: Tập trung ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao công nghệ

Thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được triển khai trong thời gian qua đã tạo ra nhiều chủng loại vật liệu, linh kiện, sản phẩm, quy trình công nghệ… phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây đều là các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng thay thế các sản phẩm nhập khẩu cùng loại với giá thành thấp phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước.
Từng bước làm chủ công nghệ
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 18 chương trình/đề án quốc gia về KH&CN giao Bộ KH&CN chủ trì, 17 chương trình/đề án về KH&CN giao các bộ, ngành khác thực hiện, đồng thời, Bộ KH&CN đã phê duyệt 8 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia thuộc nhiều lĩnh vực. Trong các chương trình, đề án này có nhiều chương trình liên quan đến công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước đã nghiên cứu, sản xuất thành công các vật liệu, linh kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ (Ảnh: Quỳnh Nga)
Chẳng hạn, các nhiệm vụ thuộc Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới (giai đoạn 2011 - 2015) đã tạo ra trên 90 loại vật liệu, máy móc và trên 100 quy trình công nghệ, trong đó bao gồm nhiều loại vật liệu thuộc lĩnh vực CNHT như bột huỳnh quang ba màu, màng bảo quản thực phẩm, cao su kỹ thuật, khuôn mẫu kim loại… Trong giai đoạn 2016 -2020, chương trình hỗ trợ nghiên cứu các loại vật liệu phục vụ CNHT như: Vật liệu chế tạo đế giày phylon, cao su kỹ thuật chống rung trong đầu máy - toa xe, vải kháng khuẩn, vật liệu băng tải cao su, ống tản nhiệt cho thiết bị điện tử công suất lớn.
Tương tự, sau 5 năm triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển cơ khí tự động hóa, với hầu hết các sản phẩm được chế tạo lần đầu ở trong nước có khả năng ứng dụng cao trong đó có nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực CNHT như hệ thống tự động mài và bôi keo đế giày, mũ giày trong sản xuất giày dép, sản xuất linh kiện nhựa có độ chính xác cao, hệ thống đổ sợi tự động, hệ thống khuôn ép phun…
Đặc biệt, thông qua các nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã hỗ trợ một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT như đổi mới và hoàn thiện công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình từ hợp kim kẽm, hợp kim nhôm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hướng tới thị trường quốc tế; thiết kế và chế tạo một số loại đồ gá hàn khung vỏ xe ô tô con; công nghệ chế tạo vật liệu tản nhiệt cho thiết bị điện, điện tử trên nền ống vật liệu nano carbon; thiết kế, chế tạo dây chuyền và thiết bị để đổi mới công nghệ sản xuất dây cáp điện…
Là một trong những doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước trong thực hiện các dự án KH&CN, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) cho biết: Dự án KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam” đã được Bộ KH&CN giao cho Thaco thực hiện với tổng kinh phí hơn 126,6 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học là 37,2 tỷ đồng.
Dự án được triển khai đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc ứng dụng thành công các công nghệ trên thế giới như: Công nghệ ép phun, công nghệ chuyển nhựa vào khuôn có hỗ trợ chân không, công nghệ composite định hình khung kim loại, công nghệ tạo hình nhiệt, công nghệ nhựa định hình màng phức hợp.
“Việc thực hiện dự án thành công đã góp phần nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xe khách giường nằm của THACO lên 78% và tăng tỉ lệ nội địa hóa xe bus lên 60%; giảm 15% giá thành các linh kiện nội ngoại thất ô tô. Qua đó, thúc đẩy phát triển CNHT cho ô tô và góp phần tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động của THACO Chu Lai tại Quảng Nam” - ông Phạm Văn Tài nhấn mạnh.
Hỗ trợ tối đa nghiên cứu, chuyển giao công nghệ
Hiện nay, chính sách KH&CN phục vụ phát triển CNHT đã ban hành tương đối đầy đủ. Cụ thể, tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành CNHT đã đưa ra một số chính sách như Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đối với thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNHT, tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, 50% kinh phí chế tạo thử nghiệm các sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển, 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với các dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu trong nước.
Tại Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển CNHT, cũng hỗ trợ tối đa 100% cho hoạt động xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực CNHT, xây dựng và công bố tiêu chuẩn về nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng; hỗ trợ tối đa 50% cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực CNHT.
Tiếp đó, tại Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT ban hành ngày 6/8/2020 cũng nêu nhiệm vụ: Xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương trên cơ sở nhu cầu, mục tiêu phát triển và nguồn lực sẵn có nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao năng lực KH&CN cho doanh nghiệp CNHT và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp CNHT; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH&CN, mua bán, chuyển giao các sản phẩm KH&CN; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu KH&CN.
Ngoài ra, ngành CNHT được ưu tiên xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển KH&CN quốc gia đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện các đề tài nghiên cứu và phát triển công nghệ tại các chương trình KH&CN cấp quốc gia theo các quy định hiện hành.
Bộ Công Thương nhìn nhận, để nâng cao năng lực doanh nghiệp CNHT, trong thời gian sắp tới, cần tiếp tục định hướng triển khai hiệu quả Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, về phát triển KH&CN, cần xây dựng lộ trình về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đối với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, sản xuất tại Việt Nam dựa trên lộ trình công nghệ và phát triển sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất, chế tạo sản phẩm CNHT của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, tự động hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao trình độ sản xuất và giảm giá thành sản phẩm; triển khai chương trình đánh giá trình độ và năng lực công nghệ một số ngành CNHT để từ đó định hướng phát triển năng lực KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các ngành CNHT.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ để có thêm nhiều doanh nghiệp CNHT tiếp cận được Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia, cũng như thêm nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn; tăng cường tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu và hỗ trợ chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại.
Theo: Kinh tế Việt Nam

lên đầu trang