Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 13:28

Thứ năm, 25/04/2024 | 13:28

Chính sách

Cập nhật lúc 08:46 ngày 30/08/2016

Vĩnh Phúc: Phấn đấu trở thành trung tâm công nghệ cao

Những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới công nghệ, cải tiến và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp.


Áp dụng công nghệ hiện đại

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có 5.700 doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư kinh doanh, trong đó, có khoảng 3.000 DN đang hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử, vật liệu xây dựng, giày da, dệt may… Các DN trong các ngành này đã có những dây chuyền sản xuất hiện đại mang lại giá trị sản phẩm cao.

Điều này được thể hiện qua các chỉ số như trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đạt từ 30-35%, tốc độ đổi mới công nghệ của các DN ước đạt 15%/năm. Đặc biệt, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp bình quân vào tăng trưởng GDP Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2011-2015 là 33,14%, riêng giai đoạn 2013-2015 là 37,02%, cao hơn mức bình chung của cả nước. Tăng TFP đã phản ánh mức độ đổi mới các quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới để mang lại hiệu quả cao.

Điển hình, tại Công ty Cổ phần Bê tông Bảo Quân đã đầu tư mới các dây chuyền sản xuất bê tông dự ứng lực, dây chuyền sản xuất dầm dự ứng lực theo công nghệ châu Âu, dây chuyền sản xuất ống cống bằng công nghệ rung lõi của Hoa Kỳ…

Công ty TNHH Partron Vina, năm 2015, đã đầu tư thêm 10 triệu USD xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây truyền trực tiếp sản xuất các linh kiện như ống kính camera, vỏ điện thoại… để đáp ứng cung cấp sản phẩm cho Tập đoàn SamSung.

Công nghệ - nền tảng cho sản xuất

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đưa công nghiệp trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 6,5-7% mỗi năm. Trong đó tỉnh sẽ tập trung mở rộng sản xuất và tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực như ôtô, xe máy; từng bước phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao như điện tử gia dụng (điện thoại, máy điều hòa không khí, ti vi, tủ lạnh, máy giặt…); đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghệ cao của vùng.

Tại Quy hoạch phát triển KHCN tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã khẳng định, KHCN trở thành nền tảng cho các ngành phát triển sản xuất với trình độ cao, phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt 45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của các DN sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao, phấn đấu tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị là 25% vào năm 2020. Trong đó, hình thành và phát triển khoảng 20 DN sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt “Đề án Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, thông qua hình thức mở rộng quy mô Quỹ phát triển KHCN tỉnh Vĩnh Phúc” với ngân sách tỉnh bổ sung là140 tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ cho các DN...

Theo baocongthuong.com.vn 

lên đầu trang