Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 10:12

Thứ năm, 18/04/2024 | 10:12

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 13:27 ngày 20/07/2021

Xuân Hòa Việt Nam bứt phá từ những cải tiến năng suất chất lượng

Với hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam không ngừng áp dụng cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và vị thế cạnh tranh trên thị trường. Hiện các sản phẩm của Xuân Hòa đã trải rộng trên khắp cả nước và vươn ra quốc tế, với nhiều đối tác lớn trong ngành nội thất như IKEA, Thụy Điển; Habitat của Pháp; Sankin, Nhật Bản. Bên cạnh đó, Xuân Hòa còn là đối tác sản xuất khung ghế cho Toyota, mạ chi tiết cho Honda, đáp ứng tốt các yêu cầu cao về chất lượng và thời gian hoàn thành sản phẩm.
 
Xuân Hòa Việt Nam xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong thời gian tới (Nguồn: TTXVN)
Ông Lê Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty Xuân Hòa cho biết, trong 3 năm gần đây, Xuân Hòa đã và đang hợp tác với chuyên gia Nhật Bản tư vấn và đào tạo về quá trình sản xuất theo TPS (Hệ thống sản xuất Toyota - PV) và cải tiến được các điểm chưa hợp lý trong quá trình sản xuất bao gồm cả thao tác, công nghệ, thiết bị, khuôn cối, lập và quản lý kế hoạch sản xuất…
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, Công ty nhận thấy dòng chảy sản xuất bị ứ đọng tại dây chuyền sơn, công việc bao gói tủ không đạt tiến độ khiến việc giao hàng bị chậm trễ và chi phí sản xuất tủ hiện cao hơn so với đối thủ. Bên cạnh đó, tỷ lệ sản phẩm hỏng móp méo trước khi bao gói và tỷ lệ sản phẩm xuất cho khách thiếu chi tiết, linh kiện còn tương đối cao.
Từ thực trạng đó, tháng 1/2020, Công ty đã thành lập nhóm cải tiến và bắt đầu triển khai dự án “Cải tiến năng suất chất lượng dây chuyền sơn và bao gói đóng hộp tủ sắt”.
Nhóm cải tiến trình bày kết quả triển khai dự án tại cuộc thi "Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020" (Nguồn: Tạp chí Công Thương)
Qua đánh giá các công đoạn sản xuất nhóm cải tiến nhận thấy năng suất lao động tại phân xưởng sơn rất thấp, không đáp ứng nhu cầu bán hàng do chưa tận dụng hết công suất và đặc tính kỹ thuật của máy móc, bố trí sản phẩm sơn chưa phù hợp. Trong khi đó, tại phân xưởng bao gói, quá trình làm việc của công nhân có nhiều thao tác thừa, phải di chuyển bán thành phẩm nhiều khiến gia tăng rủi ro móp méo, thiếu linh kiện và hao phí sức lao động.
Nhóm cải tiến đã tiến hành tính toán lại các chỉ tiêu kỹ thuật để tận dụng tối đa công suất máy đối với phân xưởng sơn và quy hoạch lại bằng lập line, đầu tư băng tải và đào tạo lại đội ngũ công nhân tại phân xưởng bao gói.
Kết quả sau 3 tháng triển khai năng suất của dây chuyền sơn tăng thêm 14,2%; năng suất bao gói tăng từ 80 tủ/ca làm việc lên 230 tủ/ca tương đương tăng 187%; tỷ lệ bao gói thiếu chi tiết, linh kiện giảm từ 0,05% xuống chỉ còn 0,001%; tỷ lệ móp méo trước bao gói giảm còn 0%; thời gian giao hàng cho khách (chỉ tính bộ phận sơn) giảm từ 3 ngày xuống còn 1 ngày; chi phí sản xuất giảm thêm 24.064 đ/tủ.
Nhờ đó, trong năm 2020, năng suất lao động tăng hơn 10%, thời gian giao hàng trước đây cần hơn 10 ngày cho một đơn hàng thì nay giảm còn 2,5 ngày/đơn hàng.
Dây chuyền bao gói đóng hộp tủ sắt tại Công ty Xuân Hòa (Nguồn: TTXVN)
Để đạt được kết quả đó ngoài nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, Công ty còn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 140001 và các công cụ cải tiến 5S, Kaizen… 
Anh Lê Viết Hậu, Tổ trưởng dây truyền sơn 2, Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam cho biết, khi được công ty giao chỉ tiêu mỗi tổ, đội trong 1 tháng cần có 4 cải tiến, các thành viên đều cố gắng tìm sáng kiến cải tiến kĩ thuật nhằm tăng năng suất trong mỗi ca làm việc. Trong dây truyền sơn, hệ thống móc treo sản phẩm đã được bố trí hợp lý và khoa học nên mỗi lần sơn nhanh được nhiều sản phẩm, tránh lãng phí.
“Trước khi cải tiến công suất của dây truyền khá thấp, từ khi móc được cải tiến dây truyền chạy đều, ít phải dừng vì vậy năng suất lao động tăng lên rõ rệt từ 88% lên 99%. Điều này vừa giảm sức lao động lại đảm bảo sức khỏe cho công nhân, mang lại lợi nhuận cao cho công ty dẫn đến đời sống công nhân được nâng cao, lương thưởng được cải thiện. Trước đây lương công nhân khoảng 5 triệu đồng giờ tăng khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Trước lương tổ trưởng khoảng 7 triệu đồng giờ tăng lên 9-10 triệu đồng/tháng”, anh Hậu vui mừng cho biết.
Với những kết quả bước đầu do dự án mang lại, nhóm cải tiến và người lao động của công ty tích cực nghiên cứu, tìm kiếm các phương án sản xuất kinh doanh tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng từ khách hàng, từ đó tạo ra năng suất chất lượng cao hơn thúc đẩy doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đề ra.
Ngày 31/8/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030” đặt mục tiêu các doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%. 
Các nội dung chính của Chương trình trong giai đoạn 2021-2030:
Tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, công nghệ và ứng dụng hệ thống quản trị tiên tiến.
Nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ, sản phẩm, cải tiến năng suất và chất lượng.
Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp.
Hương Linh
Tag:
lên đầu trang