Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 08:55

Thứ bảy, 20/04/2024 | 08:55

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 16:52 ngày 28/07/2021

Trường cao đẳng Công Thương miền Trung: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng

Kỹ sư Phạm Duy Phượng thử nghiệm thành công robot xử lý bề mặt dây dẫn do Truyền tải điện Phú Yên đặt hàng. Ảnh: THÁI HÀ
Trường cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) vừa thành lập nhóm nghiên cứu ứng dụng - dịch vụ khoa học công nghệ MITC nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại nhà trường, cũng như định hướng nghiên cứu, ứng dụng phát triển các sản phẩm khoa học vào thực tiễn sản xuất tại địa phương.
Phát huy trí tuệ tập thể
Tháng 5/2021, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tổ chức hội thảo thành lập nhóm nghiên cứu ứng dụng - dịch vụ khoa học công nghệ MITC.
Nhóm nghiên cứu gồm các cán bộ, giảng viên có thế mạnh ở từng lĩnh vực để cùng hợp tác, chia sẻ hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, giúp phát huy hiệu quả trí tuệ tập thể, hướng đến mục tiêu phát triển các nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn; tạo tiền đề để tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu có quy mô cấp tỉnh, cấp bộ và quốc gia.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển theo hướng chú trọng hiệu quả, đề cao ứng dụng vào thực tế, nhà trường đã thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để tiếp nhận thông tin phản hồi về nhu cầu chuyển giao khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Từ đó, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, cải tiến công nghệ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
“Nhóm nghiên cứu ứng dụng - dịch vụ hoạt động hiệu quả có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định thương hiệu của các trường cao đẳng, đại học nói chung và Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nói riêng. Chính vì vậy, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực kinh tế, cũng như phối hợp với các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường”, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nói.
Bám sát nhu cầu thực tiễn
Theo TS Trần Kim Quyên, thay vì trước kia, các giáo viên dựa trên thế mạnh của mình để thực hiện các đề tài khoa học và sau đó tìm kiếm các đơn vị để chuyển giao công nghệ thì hiện nay, hoạt động của nhóm nghiên cứu ứng dụng - dịch vụ sẽ chuyển hướng. Nhóm nghiên cứu sẽ tổ chức những chuyến khảo sát về cơ sở từng làng nghề, từng HTX, nhà máy, doanh nghiệp để ghi nhận nhu cầu về công nghệ, nhu cầu cải tiến máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất thực tế, từ đó thực hiện các đề tài khoa học phục vụ những nhu cầu này. Qua những chuyến đi thực tế, nhóm tác giả tập trung giải quyết vấn đề các đơn vị cần, nhờ đó, những kết quả nghiên cứu sau khi hoàn thành có thể đưa ngay vào để áp dụng.
Điển hình như mới đây, giảng viên Phạm Duy Phượng, thành viên của nhóm nghiên cứu phối hợp với Truyền tải điện Phú Yên hợp tác nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm thành công robot xử lý bề mặt dây dẫn đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang. Đây là giải pháp tự động hóa xử lý bề mặt dây dẫn truyền tải lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang do chạy gần biển nên trước đây dây dẫn được thiết kế có nhiều mỡ. Tuy nhiên, điều này gây tổn thất điện năng cao bất thường vì trong quá trình thi công, lắp đặt và vận hành, đường dây bám nhiều bụi đất làm mặt dây dẫn gồ ghề dẫn đến dễ phát sinh vầng quang điện. Để làm sạch đường dây, nhiều phương án đã được đưa ra. Tuy nhiên, việc vệ sinh dây dẫn thủ công không khả thi vì mất nhiều thời gian, bị hạn chế vì phải cắt điện, tốn nhiều nhân lực và gây nguy cơ mất an toàn cho con người. Phương án hạ dây dẫn xuống để làm vệ sinh đường dây cũng được tính đến nhưng rất phức tạp vì ở nhiều cung đoạn, đường dây bị chồng chéo với đường bộ và các công trình điện khác, không khả thi. Nhằm giảm tổn thất điện, đảm bảo an toàn truyền tải điện, tháng 6/2021, từ kết quả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao với nhóm nghiên cứu và kỹ sư Phạm Duy Phượng, Truyền tải điện Phú Yên đưa vào thử nghiệm robot xử lý bề mặt dây dẫn đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang. Kết quả, robot được điều khiển bằng thiết bị điều khiển từ xa dưới mặt đất đã tự động chạy theo đường dây dẫn và đánh sạch lớp dầu mỡ, bùn đất; làm tròn bề mặt dây dẫn.
Ông Tô Đình Trung, Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên, cho biết: “Robot hoạt động hiệu quả hơn sự kỳ vọng của chúng tôi. Ban đầu, chúng tôi chỉ hướng đến việc đánh cho tròn bề mặt dây để tránh xảy ra hiện tượng vầng quang điện, tuy nhiên, sau khi đưa vào thử nghiệm, robot đánh sạch bóng cả bề mặt dây dẫn. Thiết bị này có thể tiếp cận từ xa, nơi công nhân khó tiếp cận trực tiếp; đồng thời giúp họ giải quyết công việc nhanh hơn, an toàn hơn”.
Giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các giảng viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã tập trung nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm hữu ích, thiết thực, góp phần chung tay cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh. Vừa qua, nhóm nghiên cứu đã cho ra 4 sản phẩm: Hệ thống khử khuẩn và đo thân nhiệt tự động; máy sản xuất Anolyte và Javen; khẩu trang; dung dịch rửa tay khô. Với những sản phẩm này, trước tiên trường sẽ sử dụng cho nhu cầu phòng chống dịch của cán bộ viên chức, học sinh sinh viên nhà trường. Sau đó triển khai nhân rộng trong cộng đồng dưới hình thức chuyển giao công nghệ, vận động tài trợ để sản xuất phát miễn phí cho người dân, các địa điểm công cộng. 
Việc thiết lập mối quan hệ mật thiết với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để cung cấp các giải pháp công nghệ giúp giảng viên có cái nhìn sâu và tư duy nghiên cứu sát với thị trường, qua đó giảng dạy hiệu quả hơn. Đối với sinh viên, đây là điều kiện để các em tham gia nhóm nghiên cứu để củng cố, tổng hợp và phát huy các kiến thức đã học, hình thành kỹ năng làm việc, nghiên cứu khoa học độc lập, chuẩn bị tốt cho công việc sau khi tốt nghiệp…
TS Trần Kim Quyên,
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung
Theo baophuyen.com.vn
lên đầu trang