Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 13:53

Thứ tư, 24/04/2024 | 13:53

Chính sách

Cập nhật lúc 22:01 ngày 02/08/2021

Rà soát, sửa đổi bổ sung hai Luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về tình hình thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong ngành Công Thương trong thời gian từ khi 02 Luật được ban hành đến nay.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007.
Việc ban hành và thực thi 02 luật nêu trên trong thời gian qua đã đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vào nề nếp và trở thành một bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế - xã hội; góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho người, động vật, tài sản, môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Tuy nhiên, trước bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong tình hình mới, cần thiết phải tiến hành rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc, những điểm không còn phù hợp; trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung 02 Luật này.
Để có cơ sở chuẩn bị, kiến nghị bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ngày 30 tháng 7 năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn (Số 2017/BKHCN-TĐC) đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình thực hiện 02 Luật này đối với lĩnh vực được phân công quản lý với các nội dung chính sau:
I. Đối với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
1. Đánh giá về công tác xây dựng, thẩm định, công bố và triển khai áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (thống kê số lượng TCVN trong lĩnh vực chuyên ngành, mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế/tiêu chuẩn khu vực; số hiệu, ngày ban hành của văn bản quản lý chuyên ngành hướng dẫn quy trình/thủ tục xây dựng dự thảo, thẩm định, áp dụng tiêu chuẩn trong lĩnh vực chuyên ngành.
2. Đánh giá về công tác xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức triển khai áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thuộc thẩm quyền quản lý (danh mục QCVN có hiệu lực; thuận lợi, khó khăn, kiến nghị, đề xuất trong tổ chức xây dựng, triển khai áp dụng QCVN).
3. Đánh giá về công tác xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức triển khai áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) thuộc thẩm quyền quản lý (danh mục QCĐP có hiệu lực; thuận lợi, khó khăn, đề xuất, kiến nghị trong triển khai xây dựng, thẩm định, ban hành, áp dụng QCĐP tại địa phương).
4. Đánh giá, nhận xét chung về quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; sự phối hợp giữa các bộ quản lý chuyên ngành, địa phương về thẩm quyền ban hành QCVN, QCĐP và đề xuất, kiến nghị.
5. Đánh giá về công tác xuất bản, phát hành TCVN, bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài tại Việt Nam (thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất).
6. Đánh giá về hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn xây dựng tiêu chuẩn chuyên ngành (cung cấp thông tin, số lượng các Ban kỹ thuật hiện đang hoạt động tại các Bộ, ngành, số lượng chuyên gia Ban kỹ thuật, thuận lợi, khó khăn khi tổ chức hoạt động các Ban kỹ thuật tại các Bộ, ngành).
7. Đánh giá về xã hội hóa hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (cung cấp thông tin, số liệu TCVN, tỷ lệ % các TCVN giao cho các tổ chức, cá nhân chủ trì biên soạn hằng năm, thuận lợi, khó khăn và đề xuất cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng TCVN trong thời gian tới).
8. Đánh giá thực hiện các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
9. Đánh giá quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy (thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất).
10. Đánh giá về sự chồng chéo, trùng lặp giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với Luật chuyên ngành khác, đề xuất, kiến nghị.
11. Những vấn đề vướng mắc, khó khăn khác còn tồn tại trong công tác quản lý, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thời gian qua và đề xuất, kiến nghị (nếu có).
II. Đối với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
1. Đánh giá về công tác xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (số ký hiệu, ngày ban hành của văn bản; thuận lợi, khó khăn trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện).
2. Đánh giá về công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường thuộc trách nhiệm quản lý theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (kết quả kiểm tra, cơ quan kiểm tra, thuận lợi, khó khăn, đề xuất, kiến nghị).
3. Nhận xét, đánh giá chung về tình hình chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý; công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hoạt động chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp; công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Đánh giá về hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm soát viên chất lượng (thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị).
5. Đánh giá về việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương.
6. Đánh giá sự cần thiết bổ sung quy định về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
7. Đánh giá về sự chồng chéo, trùng lặp giữa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa với Luật chuyên ngành khác, đề xuất, kiến nghị.
8. Những vấn đề vướng mắc, khó khăn khác còn tồn tại trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thời gian vừa qua và đề xuất, kiến nghị (nếu có).
Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến định hướng hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành Công Thương trong các giai đoạn tiếp theo, Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức khoa học và công nghệ trong ngành Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan về tình hình thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời gian từ khi 02 Luật được ban hành đến nay. Trên cơ sở ý kiến phản hồi, Bộ sẽ đánh giá, phân tích một cách nghiêm túc, khoa học để đề xuất, kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành Công Thương./.​
Vụ Khoa học và Công nghệ
lên đầu trang