Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 12:12

Thứ bảy, 20/04/2024 | 12:12

Chính sách

Cập nhật lúc 22:09 ngày 02/08/2021

Khoa học và công nghệ góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Bộ KH&CN và Ủy ban Dân tộc (UBDT) giai đoạn 2012-2020 đã đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, hai ngành tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu triển khai có hiệu quả cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Một số kết quả nổi bật từ Chương trình phối hợp giai đoạn 2012-2020
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách dân tộc; tăng cường tiềm lực KH&CN cho các đơn vị nghiên cứu thuộc UBDT và hệ thống cơ quan công tác dân tộc; thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng đồng bào DTTS&MN; phối hợp chặt chẽ trong hoạt động thông tin KH&CN và tuyên truyền nâng cao nhận thức, ngày 10/7/2012, Bộ KH&CN và UBDT đã cùng nhau ký “Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và UBDT giai đoạn 2012-2020”.
Chương trình phối hợp tập trung thực hiện một số nội dung chính như: i) đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách dân tộc; ii) tăng cường tiềm lực KH&CN cho các đơn vị nghiên cứu thuộc UBDT; iii) nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng đồng bào DTTS&MN; iv) thông tin KH&CN và tuyên truyền nâng cao nhận thức... Sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và UBDT đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Về đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách dân tộc
Đây là hoạt động được 2 cơ quan đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện tốt. Nổi bật nhất là sự ra đời của Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 "Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” (Chương trình CTDT/16-20). Chương trình là kết quả phối hợp hiệu quả giữa UBDT và Bộ KH&CN trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho 2 cơ quan. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 50 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã và đang được triển khai thực hiện với tổng kinh phí trên 175 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình CTDT/16-20, cùng với một số nhiệm vụ thuộc Chương trình KX04 và các chương trình KH&CN khác đã kịp thời cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cho xây dựng chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, miền núi, đồng thời tập trung đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến đời sống của đồng bào các DTTS như: vấn đề đói nghèo, mức sống chênh lệch ngày càng lớn giữa vùng đồng bào DTTS&MN so với đồng bằng, thành thị; vấn đề hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đang có xu hướng phục hồi lan rộng trong cộng đồng; vấn đề xã hội liên quan đến tranh chấp đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự; vấn đề tín đồ, chức sắc, tôn giáo bị các thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền để chống Đảng, chống Nhà nước; vấn đề kích động, xúi giục tín đồ tập trung, khiếu kiện tập thể, gây rối làm mất trật tự, an toàn xã hội…
Bên cạnh đó, được sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của Bộ KH&CN, các bộ, ngành liên quan, hàng năm kinh phí sự nghiệp khoa học cấp bộ của UBDT được tăng lên đáng kể. Nhờ có sự gia tăng quy mô kinh phí hàng năm đã giúp UBDT từng bước tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ chỉ đạo điều hành nói chung và hoạt động phục vụ xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc nói riêng.
Đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN, thông qua Chương trình phối hợp, các hoạt động nghiên cứu phục vụ xây dựng, triển khai thực hiện chính sách dân tộc cũng được tăng cường hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Nhiều Ban Dân tộc các địa phương đã đề xuất và trực tiếp chủ trì triển khai thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN. Sở KH&CN các địa phương đã tích cực nghiên cứu xây dựng và ưu tiên đề xuất các nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Có thể kể đến như: “Nghiên cứu giải pháp cảnh báo, phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra trên địa bàn dân tộc Dao tỉnh Lào Cai ”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện một số chính sách dân tộc tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái”; “Hoàn thiện hệ thống chữ viết Mnông - Việt, Việt - Mnông”, “Văn hóa mẫu hệ Mnông và sự tác động của nó đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại Đắk Nông hiện nay”; "Phong tục - lễ hội của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng”, "Nghiên cứu phương ngữ Khmer tỉnh Sóc Trăng”...
Cùng với các hoạt động nêu trên, Ban Dân tộc và Sở KH&CN của các địa phương đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu hiệu quả cho UBND cấp tỉnh trong xây dựng, ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng KH&CN, thực hiện lồng ghép trong triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng mô hình sản xuất mới; tổ chức nghiên cứu phát hiện và lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả để tổ chức cộng đồng và người dân được tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm... tạo hiệu ứng lan tỏa rất tích cực, góp phần cải thiện và phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực.
Về tăng cường tiềm lực KH&CN cho các đơn vị nghiên cứu thuộc UBDT
Trong giai đoạn 2012-2020, Chương trình phối hợp giữa UBDT và Bộ KH&CN đã có một số hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa tiềm lực KH&CN cho các đơn vị nghiên cứu thuộc UBDT. Hàng năm, Bộ KH&CN đã bố trí kinh phí để bổ sung cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, nâng cao năng lực phục vụ hoạt động KH&CN của Viện Dân tộc (từ năm 2012 đến tháng 10/2016, trước thời điểm sáp nhập Viện Dân tộc và Trường Cán bộ Dân tộc thành Học viện Dân tộc).
Năm 2019 được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã giao Học viện Dân tộc chủ trì triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu và trang thiết bị KH&CN chuyên ngành cho Học viện Dân tộc”. Dự án được đầu tư theo 2 nhóm chính (nhóm phần mềm quản lý các nghiệp vụ và tự động hóa thư viện với giao diện tra cứu tập trung; nhóm các thiết bị tự động hóa thư viện và công nghệ thông tin) với mục tiêu phát triển và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trở thành phương tiện quan trọng, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, công tác quản lý để hội nhập và phát triển; nâng cao năng lực cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học; nâng cao năng lực hệ thống trang thiết bị công nghệ cho Học viện Dân tộc, tập trung xu hướng tự động hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin và tri thức, theo đó tăng cường khả năng tiếp cận của người dùng.
Về công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng đồng bào DTTS&MN
Từ khi Chương trình phối hợp giữa 2 cơ quan được ký kết, công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng được mở rộng và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo động lực phát triển cho vùng này, trong đó phải kể đến Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi với nhiều kết quả nổi bật gắn trực tiếp đến vùng đồng bào DTTS&MN như: i) Các dự án ứng dụng tiến độ KH&CN vào trồng trọt: sản xuất rau, hoa ở Phia Đén (Cao Bằng); sản xuất nông nghiệp bền vững ở Bác Ái (Ninh Thuận); nhân giống, trồng thâm canh, cải tạo và chế biến chè Shan Trạm Tấu (Yên Bái); phát triển chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm gạo đặc sản địa phương (Khẩu Ký, Tẻ Râu) tỉnh Lai Châu; công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê và hồ tiêu tại vùng đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai; sản xuất lê vàng Đông Khê cho năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Cao Bằng…; ii) Các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào chăn nuôi: mô hình nuôi bò thịt tại vùng đồng bào DTTS một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc; mô hình nuôi vỗ béo bò vàng Hà Giang tại các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, vùng đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận; nuôi lợn Nậm Khiếu tại Thái Nguyên; xây dựng chuỗi giá trị lợn Lũng Pù tại Mèo Vạc (Hà Giang); phát triển đàn dê tại A Lưới (Thừa Thiên - Huế); nuôi trâu bản địa năng suất, chất lượng cao và tiêu thụ sản phẩm tại Than Uyên (Lai Châu)…; iii) Các dự án ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống xã hội: công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận; công nghệ xử lý nước mặt, nước ngầm thành nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào DTTS tại tỉnh Lai Châu…
Bên cạnh đó, thông qua nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cấp tỉnh, trong giai đoạn 2012-2020, đã có hàng trăm đề tài, dự án cấp tỉnh được nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho vùng DTTS&MN.
Nhìn chung, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn 2012-2020 khá đa dạng về loại hình, cấp độ; tăng trưởng về quy mô kinh phí và địa bàn thực hiện không ngừng được mở rộng; tạo ra hiệu quả và tác động tích cực đến sự phát triển vùng đồng bào DTTS&MN trong phạm vi cả nước.
Về hoạt động thông tin KH&CN và tuyên truyền, nâng cao nhận thức
UBDT và Bộ KH&CN đã xây dựng cơ chế thông tin hai chiều giữa lĩnh vực công tác dân tộc và KH&CN, trong đó chú trọng: thông tin các kết quả nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, các tiến bộ KH&CN mới liên quan đến công tác dân tộc; yêu cầu các cơ quan chủ trì, cá nhân chủ nhiệm các đề tài, dự án KH&CN chuyển giao kết quả cho UBDT. Bộ KH&CN đã quan tâm, tạo điều kiện để các nhà khoa học, quản lý của UBDT tham gia một số hoạt động: xác định nhiệm vụ, tuyển chọn/giao trực tiếp, nghiệm thu, hội thảo, tọa đàm trao đổi thông tin hoạt động KH&CN liên quan đến công tác dân tộc của các Chương trình KH&CN cấp quốc gia (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nông thôn mới, Ngôn ngữ DTTS...) và một số nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý. Để khai thác hiệu quả nguồn thông tin, dữ liệu khoa học, Bộ KH&CN đã cấp quyền khai thác và cập nhật dữ liệu KH&CN cho UBDT. Hoạt động này đã giúp UBDT chủ động tiếp cận khai thác, sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng, hoạch định và triển khai công tác dân tộc.
Có thể thấy, thông qua Chương trình, sự phối hợp giữa 2 ngành từ trung ương đến địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, nhất là sự phối hợp ở trung ương. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt, có trách nhiệm của Bộ KH&CN đối với quản lý nhà nước về công tác dân tộc nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN nói chung. Một số nội dung thực sự nổi bật, có hiệu quả cao trong hoạt động KH&CN như hoạt động nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách dân tộc; hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho vùng DTTS&MN... đã góp phần tạo động lực rất rõ nét trong phát triển vùng đồng bào DTTS&MN.
Tiếp tục tăng cường phối hợp trong giai đoạn 2021-2030
Xuất phát từ vai trò chiến lược của công tác dân tộc trong tình hình hiện nay và nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học phục vụ công tác dân tộc nhằm đổi mới chính sách dân tộc, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, ngày 14/7/2021, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu: tham mưu có hiệu quả cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, biện pháp về KH&CN để góp phần triển khai tổ chức thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; nâng cao nhận thức, trình độ năng lực về KH&CN cho cán bộ làm công tác dân tộc, KH&CN trong việc xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS, người dân vùng DTTS&MN về vai trò của KH&CN, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thông tin, ứng dụng chuyển giao công nghệ, nhất là các thành tựu KH&CN mới, phù hợp với đặc điểm đồng bào các DTTS&MN phục vụ xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc...
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2030 (tháng 7/2021)
Theo đó trong 10 năm tới, hai cơ quan sẽ tăng cường đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, hỗ trợ cho UBDT thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ hàng năm, với trọng tâm là: xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên, khuyến khích các tổ chức/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS&MN; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS&MN để phục vụ công tác dự tính, dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo yêu cầu của Đề án tổng thể phát triển phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Bộ KH&CN và UBDT thống nhất tăng cường phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS&MN. Cụ thể, tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Chương trình  KH&CN có liên quan khác. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN vùng đồng bào DTTS&MN, tăng cường tiềm lực KH&CN cho các cơ quan nghiên cứu thuộc cơ quan UBDT thông qua việc xây dựng, lồng ghép triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án KH&CN; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.
Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật,
Bộ Khoa học và Công nghệ
Theo vjst.vn
lên đầu trang