Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:53

Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:53

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 16:40 ngày 03/08/2021

Siêu thị chủ động tìm nhà cung cấp thực phẩm để không đứt gãy nguồn cung

Những ngày gần đây, Hà Nội đã phát hiện những ca F0 tại các chợ truyền thống và các nhà cung ứng đầu vào cho siêu thị. Bên cạnh việc siết chặt quản lý phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ truyền thống, trung tâm thương mại, hiện các phân phối cũng chủ động tìm các nhà cung ứng thực phẩm thay thế, đảm bảo đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Nhiều chợ truyền thống phát hiện F0
Tối ngày 1/8, tại khu hải sản, chợ Long Biên (quận Ba Đình) được chăng dây, lập hàng rào phong toả cổng chính để xét nghiệm truy vết, chiều cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 là tiểu thương thường xuyên lấy hàng tại đây.
Hà Nội: Tạm thời phong tỏa, ngừng hoạt động chợ đầu mối phía Nam
Cũng trong chiều tối ngày 1/8, UBND quận Ba Đình cũng đã ra thông báo khẩn tìm người từng đến khu vực chợ hải sản phường Phúc Xá từ 3 giờ sáng 30/7 đến nay nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 tại đây.
Trong tối 1/8, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ra thông báo tạm thời phong toả, đóng cửa ngừng hoạt động chợ đầu mối Minh Khai để phòng chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý, sáng 1/8, ngay sau khi ghi nhận một người bán rau tại chợ Phùng Khoang (phường Văn Quán, quận Nam Từ Liêm) mắc Covid-19, lực lượng chức năng đã cho tạm phong tỏa một khu chợ này để lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương liên quan.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Cầu Giấy ngày 1/8 cũng ra thông báo khẩn tìm người từng đến khu vực chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch) trong thời gian từ 22 – 29/7 do liên quan Covid-19.
Trước đó, ngày 28/7, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) đã tạm dừng hoạt động chợ đầu mối phía Nam vì xuất hiện ca nghi mắc Covid-19.
Siêu thị chủ động tìm nhà cung ứng thay thế
Nguy cơ dịch Covid-19 không chỉ tấn công vào các chợ truyền thông mà tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng đang hiện hữu.
Chiều 1/8, CDC Hà Nội thông báo Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga có nhiều lao động dương tính với Covid-19. Thanh Nga là nhà cung cấp (NCC) thịt cho nhiều hệ thống bán lẻ, trong đó có các cửa hàng VinMart, VinMart+ tại Hà Nội.
Chiều ngày 2/8, đại diện Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+) cho biết, đơn vị đã xác định được 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+ nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc rà soát các trường hợp liên quan F0 của nhà cung cấp Thanh Nga.
Các siêu thị, cửa hàng nhận được thông báo của chính quyền địa phương đã và đang phối hợp tiến hành truy vết các F, cách ly y tế theo quy định. Đồng thời, tiến hành phun khử khuẩn cửa hàng, siêu thị và thực hiện mọi biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn phòng chống dịch của các cơ quan chức năng. “Các cửa hàng, siêu thị sẽ chỉ được mở cửa trở lại khi bảo đảm không gian mua sắm an toàn và được sự cho phép của các cơ quan chức năng”, đại diện VinCommerce cho hay.
Cũng theo đại diện VinCommerce, trong đêm 1/8, VinCommerce đã yêu cầu nhân viên toàn hệ thống tại khu vực Hà Nội tự khai báo y tế. Các trường hợp có tiếp xúc với các F theo thông báo của CDC Hà Nội được yêu cầu tự cách ly lập tức. Đồng thời, dừng nhập hàng từ nhà cung cấp này.
"Trong thời gian các cửa hàng trên tạm dừng hoạt động, gần 1.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng công suất phục vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân”, đại diện VinCommerce khẳng định.
Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG - cho biết, Thanh Nga là một trong nhiều nhà cung cấp thịt cho bên BRG cũng như nhiều siêu thị khác. Việc Thanh Nga có ca dương tính với Covid-19 và tạm thời dừng hoạt động nên các siêu thị khác sẽ dồn vào các nhà cung cấp như: Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH thực phẩm Minh Hằng, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam… Do đó, phía doanh nghiệp như BRG cũng đang tìm các nhà cung cấp khác để bổ sung vào lượng hàng bị thiếu hụt.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thái Dũng cho hay, từ trước đến giờ các hệ thống siêu thị đã triển khai giao hàng giãn cách. Nhân viên nhận hàng và nhân viên giao hàng thực hiện 5K, đeo khẩu trang, găng tay, xịt khuẩn. Giữ khoảng cách 2m, để hàng, hóa đơn vào khu giao hàng rồi ra về. Ở phía bên nhận, nhân viên nhận hàng xịt khuẩn, kiểm đếm rồi xác nhận lại qua điện thoại hoặc tin nhắn zalo với bên giao hàng. Tại siêu thị, thực hiện 5K, thì cũng thực hiện giãn cách, bố trí vách ngăn, đo nhiệt độ, sát khuẩn,…
Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Theo ghi nhận của phóng viên báo Công Thương, mặc dù nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống bị phong tỏa tạm thời nhưng nguồn cung thực phẩm tại các chợ trên địa bàn thành phố ổn định. Tại một số chợ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, giá thịt lợn phổ biến ở mức 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt gà ta (nguyên lông) 120.000 đồng/kg; giá lạc 80.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại (có tăng so với trước đó); rau muống 15.000 đồng/mớ; bí xanh 20.000 đồng/kg; trứng gà 50.000 đồng/chục.
Nguồn cung thực phẩm, rau xanh tại các chợ truyền thống dồi dào
Còn tại khu vực Thanh Xuân, thịt lợn vai giá 150.000 đồng/kg, rau muốn 10.000 đồng/mớ; khoai tây 20.000 đồng/kg; bắp cải 20.000 đồng/kg; củ cải 12.000 đồng/kg; mùng tơi 5.000 đồng/mớ; chanh 15.000 – 20.000 đồng/kg; cam 35.000 đồng/kg; thanh long quả nhỏ 20.000 đồng/kg…
Tại khu vực Hoàng Mai, giá thịt bò phổ biến từ 230.000- 280.000 đồng/kg tùy loại, rau muống 15.000 đồng/mớ, chanh 20.000 đồng/kg. Nguồn cung hàng hóa thực phẩm dồi dào, tuy nhiên, giá rau xanh có tăng nhẹ. Theo các tiểu thương, việc này do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao. Những ngày vừa qua, người tiêu dùng đi chợ theo ngày chẵn, lẻ nên lượng tiêu thụ mạnh bởi đa phần người đi chợ thường mua ăn trong vài ba ngày. Tuy nhiên, về cơ bản, thực phẩm khá dễ mua, không có việc khan hàng sốt giá.
Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Đáng chú ý, dù các chợ truyền thống tăng giá, nhưng các siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán mặt hàng rau, củ quả. Tại siêu thị Big C, Vinmart, Hapro,… giá rau củ vẫn giữ ổn định, như bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg… và bán với số lượng không giới hạn. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội đơn mua hàng online của người dân đã tăng gấp 2-5 lần so với những ngày trước đó.
Như vậy, với việc chủ động nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu trong cao điểm chống dịch như hiện nay, người dân hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu đặt tại các quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng công bố danh sách 455 chợ cung cấp hàng hóa thiết yếu để đảm bảo người dân Hà Nội yên tâm chống dịch, nhằm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND thành phố về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn và phòng, chống dịch Covid-19.
Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h00 - 22h00 hàng ngày. Trong số các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu còn các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm phục vụ vận tải, cung ứng hàng hóa.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang