Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:34

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:34

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:34 ngày 13/08/2021

Tự chủ nguồn nguyên liệu: Giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực chế biến, chế tạo nói riêng phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu... Nếu không có biện pháp khắc phục tồn tại này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung trong dài hạn.
Sản xuất manh mún, bị động
Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam dù chiếm tỷ trọng cao (gần 40%) trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng 14% GDP, giá trị gia tăng thấp so với các ngành công nghiệp khác.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ cần chính sách phù hợp
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt từ Trung Quốc, Hàn Quốc; tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể. Đơn cử, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt hơn 50% và hơn 37%.
Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này được chuyên gia phân tích, do CNHT kém phát triển, các ngành công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, khiến cho hoạt động sản xuất manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao.
Minh chứng rõ nhất cho sự phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu là khi dịch Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn bảo đảm yếu tố đầu vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp thấp, năng lực cạnh tranh của DN ngành yếu kém…
Cần có hành động quyết liệt
Trong nhiều quyết sách của Chính phủ đều nhấn mạnh, CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách, hành động quyết liệt thì câu chuyện xây dựng nền CNHT tự chủ ở nước ta còn rất xa vời.
Theo đó, Chính phủ cần có gói tín dụng hợp lý để khuyến khích DN trong ngành CNHT mạnh dạn đầu tư, dần tự chủ nền CNHT trong nước; hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho DN CNHT phát triển. Về phía DN, cần chọn sản xuất những sản phẩm, linh kiện có số lượng lớn, để không những cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu; tăng cường hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau nhằm đi vào chuyên môn hóa, sản xuất sản phẩm chất lượng cao...
Dẫn chứng tại Hàn Quốc, một start-up làm phụ tùng được hỗ trợ đầu tư máy móc mà không phải trả lãi vay ngân hàng. Tiền thuê đất ở khu công nghiệp cũng được miễn trong 3 năm. Chính phủ nước này quan niệm, việc DN dám đầu tư vào lĩnh vực này đáng được ghi nhận, nên cần hỗ trợ để phát triển.
Do đó, để nâng cao năng lực DN CNHT, nhiều khuyến nghị cho Việt Nam: Cần xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng, địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương trên cơ sở nhu cầu, mục tiêu phát triển, nguồn lực sẵn có, nhằm hỗ trợ DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Hình thành cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng. Các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng có vai trò kết nối các trung tâm tại địa phương, hình thành hệ sinh thái chung về công nghệ và sản xuất công nghiệp.
Đồng thời, có giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động…
Theo: Kinh tế Việt Nam
lên đầu trang