Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 01:49

Thứ sáu, 26/04/2024 | 01:49

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 13:14 ngày 10/09/2021

Tiết kiệm thời gian nhờ Kaizen

Nhờ bố trí, sắp xếp lại nhà xưởng và các khu vực xung quanh nên Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất và Thương mại An Việt (gọi tắt An Việt) đã tiết kiệm được khoảng 40 phút di chuyển mỗi ngày của công nhân. Kết quả này giúp An Việt quyết tâm xây dựng kế hoạch triển khai và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất trong tương lai.
Thay đổi nhận thức
An Việt được thành lập từ tháng 1/2011, có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác. Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) thông qua nhiệm vụ “Đào tạo, hướng dẫn thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp” thuộc Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” năm 2020 của Bộ Công Thương, An Việt đã bước đầu triển khai thành công phương pháp cải tiến liên tục Kaizen.

Dây chuyền sản xuất của An Việt đã được bố trí, sắp xếp lại
Sau 6 tháng áp dụng Kaizen, An Việt đã thay đổi một cách cơ bản diện mạo cũng như thực trạng sản xuất. Bà Vũ Hồng Minh – Trưởng phòng Đào tạo năng suất, VNPI - cho biết: Bên cạnh việc được trang bị kiến thức về phương pháp cải tiến Kaizen, đội ngũ nhân viên, người lao động cũng đã được các chuyên gia tư vấn truyền tải tinh thần đổi mới, cải tiến liên tục, thấy được tầm quan trọng của cải tiến năng suất và vị trí, vai trò của mỗi cá nhân trong đó. Từ đó người lao động đã có những thay đổi về ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế làm việc của doanh nghiệp, có ý thức tổ chức sản xuất khoa học, tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu, sắp xếp đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị khoa học, ngăn nắp, hình thành thói quen và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Thông qua hoạt động của đội cải tiến Kaizen, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích, đánh giá vấn đề được cải thiện, các nhóm cải tiến phối hợp tốt trong quá trình triển khai dự án, các giải pháp được đề xuất có tính khả thi cao, tiết kiệm về mặt chi phí. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các phòng, đơn vị trong doanh nghiệp ngày càng hiệu quả và chặt chẽ, thể hiện thông qua sự vào cuộc mạnh mẽ của mọi cá nhân đối với các dự án cải tiến.
Hiệu quả mang lại
Ông Đào Văn Kinh - Giám đốc An Việt - cho biết: Dự án cải tiến đã giúp chúng tôi giải quyết tốt vấn đề lãng phí mà cụ thể là lãng phí nguyên vật liệu, lãng phí nhân công và thời gian. Một số lượng lớn nguyên vật liệu hoặc đã được tận dụng hoặc đã được tính toán một cách chính xác, giảm tối đa lượng dư thừa. Trong bối cảnh dịch covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc vận chuyển, mua bán, xuất, nhập gặp nhiều khó khăn thì những cải tiến giúp tiết kiệm nguyên vật liệu có ý nghĩa hết sức to lớn đối với doanh nghiệp.
Việc bố trí, sắp xếp lại nhà xưởng khiến quãng đường di chuyển qua các khu vực rút ngắn hơn. Công nhân không phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm các công cụ, dụng cụ như trước khi thực hiện cải tiến. Mặt bằng sản xuất được mở rộng, không gian xưởng và kho được tận dụng hiệu quả, trong khi quy mô của An Việt là nhỏ so với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành trên địa bàn thì hiệu suất sử dụng kho và nhà xưởng lại cao hơn nhiều lần.
Theo ông Đào Văn Kinh, trong giai đoạn 2021-2030 chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các khóa đào tạo về cải tiến năng suất cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Về phương pháp quản lý, bên cạnh Kaizen, An Việt sẽ tiến hành cập nhật các công cụ cải tiến khác như 5S, TPM, Lean, Lean 6 Sigma… và có sự đánh giá kiểm tra tính hiệu quả, khả thi để có kế hoạch triển khai lâu dài.
Đồng thời với sự tư vấn của các chuyên gia, An Việt đã có kế hoạch mở rộng nhà xưởng cũng như tổ chức quy hoạch tổng thể các khu vực sản xuất. An Việt cũng đang tiến hành xây dựng kế hoạch nâng cấp và mua mới trang thiết bị, cũng như thực hiện tối ưu hóa một số máy móc hiện có.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang