Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 11:53

Thứ năm, 25/04/2024 | 11:53

Chính sách

Cập nhật lúc 10:02 ngày 09/09/2021

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội

Tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ... là một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng.
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Nhìn lại chặng đường vừa qua, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%).
Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng
Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu - GII tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016 - 2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp…
Nhằm phát huy vai trò của KHCN&ĐMST, đặc biệt trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đã trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thời đại, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt - cho biết: Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó các nội dung về KHCN&ĐMST được đề cập một cách hệ thống, đồng bộ, xuyên suốt. KHCN&ĐMST được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Việc xây dựng Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hoá các nội dung về KHCN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. “Đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành khoa học và công nghệ mà còn của tất cả các ngành, các cấp” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp và sự tham gia đồng hành tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để xây dựng được chiến lược có chất lượng cao, khả thi nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế
Chú trọng tháo gỡ các rào cản về chính sách
Ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST thông tin, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối phát KHCN&ĐMST của Đảng, Nhà nước đã được ban hành; đặc biệt, bám sát và cụ thể hóa các nội hàm về lĩnh vực này trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Bên cạnh đó, kế thừa có chọn lọc các nội dung của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới phù hợp với tình hình hiện nay cũng như yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới; xác định rõ các định hướng đột phá để dẫn dắt toàn ngành KHCN&ĐMST phát triển vượt bậc trong giai đoạn 10 năm tới nhằm hiện thực hóa vai trò đột phá chiến lược của KHCN&ĐMST trong phát triển đất nước.
Đồng thời, chiến lược phải đảm bảo tính khoa học trên cơ sở các phương pháp phù hợp, nguồn cơ sở dữ liệu khách quan, tin cậy, cập nhật và tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đảm bảo sự đồng thuận thông qua sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp… vào xây dựng chiến lược; đảm bảo tính khả thi, sự đồng bộ, thống nhất giữa các quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển KHCN&ĐMST và chú trọng khâu tổ chức thực hiện.
Ngoài khẳng định vai trò của KHCN&ĐMST, chiến lược đã bổ sung nội hàm về đổi mới sáng tạo là cầu nối đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm; thúc đẩy năng lực hấp thụ, làm chủ và lan toả công nghệ của doanh nghiệp bên cạnh việc theo đuổi đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới và mở rộng đường biên công nghệ.
Cùng với đó, tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KHCN&ĐMST; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới.
Đồng thời, thúc đẩy xã hội hoá các nguồn đầu tư cho KHCN&ĐMST, đặc biệt từ doanh nghiệp; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược cũng xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển KHCN&ĐMST trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, các địa phương.
Theo Báo Kinh tế Việt Nam
lên đầu trang