Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 18:48

Thứ năm, 18/04/2024 | 18:48

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:11 ngày 07/09/2021

Đồng Nai: Công nghệ giúp giữ nhịp sản xuất

Trong thu hút đầu tư, tỉnh Đồng Nai luôn yêu cầu các dự án chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại và dành ưu tiên cho những dự án công nghệ cao. Mục đích là để đưa máy móc vào sản xuất, giảm lao động giúp doanh nghiệp (DN) chủ động hơn. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, công nghệ hiện đại được xem là một trong những giải pháp ưu việt để duy trì sản xuất trong bối cảnh khó khăn.

Nhiều công đoạn trong sản xuất được điều khiển từ xa tại Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2). Ảnh: Khánh Minh
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các khu công nghiệp của tỉnh hiện thu hút được khoảng 1.921 dự án (bao gồm cả dự án của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư trong nước). Số lượng dự án của các DN sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp ở Đồng Nai cũng lên đến hàng ngàn dự án lớn, nhỏ.
Chọn dự án có công nghệ tiên tiến
Từ hơn 10 năm trước, Đồng Nai đã đi đầu cả nước trong việc ban hành các quy định về thu hút đầu tư FDI có chọn lọc. Đặc biệt khoảng 5-6 năm nay, những dự án đầu tư vào tỉnh hầu hết có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Còn những dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm cao và sử dụng nhiều lao động phổ thông đều bị từ chối. Nhiều dự án FDI thu hút mới hoặc mở rộng sản xuất đều lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động hóa nên cần ít lao động nhưng công suất vẫn cao. Do đó, tại nhiều nhà máy, một công nhân cùng lúc có thể điều khiển nhiều máy móc trên một dây chuyền. Điều này giúp các DN giảm áp lực về thiếu lao động, đồng thời đáp ứng được những đơn hàng lớn từ đối tác nước ngoài.
Ông Phạm Văn Cường, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chi sẻ: “Những năm gần đây, các dự án đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng các quy định của tỉnh là có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có những dự án ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất đem lại hiệu quả cao”.
Đồng Nai cũng có định hướng sớm trong thu hút đầu tư và khuyến khích DN chuyển đổi, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nên khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Đồng Nai là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, việc giữ được sản xuất sẽ giúp cho chuỗi cung ứng sản phẩm cho nhiều DN trong và ngoài nước không bị đứt gãy. Trong đó, có nhiều khách hàng quan trọng đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu...
Ông Masato Kataoka, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho hay: “Công ty trực thuộc Tập đoàn Oji Paper - Nhật Bản, đơn vị hàng đầu trong ngành công nghiệp lâm nghiệp, giấy và bao bì toàn cầu. Các nhà máy của công ty tại Đồng Nai đều được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm đáp ứng các đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao của khách hàng trong nước và nước ngoài”. Dịp đầu năm 2021, Công ty TNHH Ojitex Việt Nam đã đầu tư thêm nhà máy sản xuất tại H.Long Thành, dự kiến sẽ được ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong quản lý, sản xuất nhằm đạt công suất, chất lượng cao, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác.

Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata) nhập khẩu nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất, giảm lao động.
Những dự án thu hút mới hoặc mở rộng đầu tư những năm qua của DN FDI cũng như DN có vốn đầu tư trong nước vào tỉnh hầu hết đều được lắp đặt các loại máy móc hiện đại trên thế giới. Nhiều tập đoàn đã sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để đặt các công ty sản xuất máy móc nổi tiếng trên thế giới nghiên cứu, chế tạo ra những loại máy công nghiệp, thiết bị ứng dụng công nghệ 4.0. Đơn cử trong 3-4 năm trở lại đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư thêm các nhà máy hiện đại nhất Việt Nam, khu vực ASEAN... tại Đồng Nai như: Schaeffler, Meggitt, Nestlé, Fujitsu, Hyosung, Bosch, Intops, Hansol Technics, Kenda...
Công nghệ là cứu cánh
Trong thời điểm hiện nay, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp được coi là giải pháp tối ưu để duy trì sản xuất giữa đại dịch Covid-19 và cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác. Vì công nghệ giúp DN không lo thiếu lao động làm việc trong các nhà máy. Bên cạnh đó, công suất nhà máy được cải thiện, có thể tăng cao so với sản xuất bằng máy móc công nghệ cũ. Cụ thể, trong đợt dịch lần thứ 4, công nghệ hiện đại giúp các DN dễ dàng hơn trong duy trì hoạt động. Bởi nhờ máy móc tự động hóa mà có những dây chuyền sản xuất chỉ cần 1-5 lao động, DN có thể thực hiện được phương án “3 tại chỗ” thuận lợi hơn.
Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP. Biên Hòa) cho hay: “Nhiều khâu trong sản xuất của công ty đã dùng máy móc tự động nên giảm được nhiều lao động phổ thông. Sản phẩm cũng đảm bảo về chất lượng, tỷ lệ hao hụt thấp, công suất tăng cao, giá thành giảm và DN dễ dàng tìm được đối tác ký hợp đồng lâu dài. Thời gian qua, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác”.
Nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai đã lên kế hoạch trong 2-5 năm tới sẽ nâng công suất, nhưng giảm tuyển dụng lao động. Giải pháp là tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất. Tuy nhiên, lao động để làm việc trong các dây chuyền trên đòi hỏi phải có tay nghề cao. Vì thế, nhiều DN tại Đồng Nai đã ký kết hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu sản xuất ở các nhà máy.
Ông Lee Sam, Giám đốc Công ty TNHH Men-Chuen Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6) cho hay: “Công ty đang đầu tư một nhà máy sản xuất nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may, giày dép. Đây là mặt hàng DN Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác tại Việt Nam đang phải nhập khẩu nhiều. Các dây chuyền sản xuất của công ty đều được lắp đặt những dòng máy móc hiện đại trên thế giới nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, giảm được nhiều lao động”.
Cũng theo ông Lee Sam, các khách hàng trong và ngoài nước ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Do đó, công ty muốn đáp ứng được các đơn đặt hàng của đối tác thì buộc phải đầu tư máy móc có công nghệ hiện đại.
Sản phẩm của các DN muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của một số tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam hoặc xuất khẩu qua Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... ngoài đáp ứng những tiêu chí về chất lượng, mẫu mã, số lượng còn phải đảm bảo về môi trường nơi sản xuất, người lao động. Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, DN ứng dụng các công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, từng bước tham gia vào chuyển đổi số để phát triển bền vững là hướng đi phù hợp nhất.
Theo ông Tống, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Trong đó, có 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới là CPTPP, RCEP, EVFTA. Những hiệp định trên sẽ tăng sức hút nguồn vốn FDI vào nước ta trên lĩnh vực công nghiệp. Những DN FDI khi vào Việt Nam đều muốn tìm mua nguyên liệu trong nước nhằm đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để hưởng các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Đây sẽ vừa là cơ hội lẫn thách thức cho DN trong cuộc thay đổi về công nghệ sản xuất để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Báo Đồng Nai
lên đầu trang