Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 02:44

Thứ năm, 25/04/2024 | 02:44

Chính sách

Cập nhật lúc 19:57 ngày 12/09/2021

Cơ khí Việt Nam vượt rào cản công nghệ đón “sóng” hội nhập

Rào cản công nghệ
Ngành cơ khí có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế, là cơ sở, động lực cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Tại Việt Nam, ngành cơ khí được ví như "trái tim" của ngành công nghiệp nặng. Mặc dù vậy, trong vài thập kỷ trở lại đây, dường như công nghiệp cơ khí nước nhà đang có dấu hiệu tụt lại so với khu vực và thế giới.
Nhìn nhận về thực trạng ngành cơ khí của nước ta, TS. Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (NARIME) cho biết, trong bối cảnh ngành công nghiệp thế giới đang bước sang cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, thì ở Việt Nam ngành cơ khí chế tạo còn đang khá lạc hậu, trình độ công nghệ chủ yếu vẫn ở trình độ của cuộc CMCN lần thứ 2 với nhiều khó khăn và tồn tại. Chẳng hạn như ngành sản xuất cơ khí cơ bản ở trình độ làm gia công. Ở nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ sức tự chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế; chưa đủ sức chế tạo linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia, sửa chữa các trang thiết bị phức tạp... 
Cơ khí được ví như "trái tim" của ngành công nghiệp nặng.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí, chiếm 30% số doanh nghiệp chế biến chế tạo. Thế mạnh của ngành tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Mặc dù vậy, sản phẩm của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam có sức cạnh tranh thấp nên thị phần cơ khí ở thị trường trong nước phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt, rõ nét dấu ấn Việt Nam vẫn chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng vẫn coi cơ khí Việt Nam chỉ là sản phẩm phụ trợ.
Bên cạnh đó, sự liên kết và tập hợp của các doanh nghiệp cơ khí còn rất hạn chế. Đặc biệt là mối liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và trong nước còn yếu. Giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp tư nhân chưa có nhiều cơ hội để khoa học công nghệ có thể lan tỏa, hỗ trợ nhau.
Ông Nguyễn Hoàng Điệp, đại diện Công ty CP công nghiệp KIMSEN, đánh giá: "Khách hàng cần cụm linh kiện, giá thành cạnh tranh nhưng doanh nghiệp Việt lại chào mời từng loại linh kiện rời. Như vậy, chúng ta sẽ rất khó để thu hút họ hợp tác với mình".
Đổi mới, cải tiến công nghệ đón “sóng” FDI 
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhưng cơ khí Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng và cơ hội để phát triển. Theo số liệu của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của nước ta luôn ở mức 6% - 6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 250 tỷ USD, có thể xác định quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Đây được xem là thị trường đủ lớn, để phát triển ngành cơ khí chế tạo.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều FTA. Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường. Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp cơ khí trong nước nâng cao năng lực sản xuất.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhưng cơ khí Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng và cơ hội để phát triển. (Ảnh: vneconomy.vn)
Đặc biệt, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện giai đoạn 2021 - 2030, đường sắt tốc độ cao, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, dầu khí, … Đây là cơ hội lớn cho ngành cơ khí tận dụng những lợi thế, kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trong năm 2021 và những năm tới, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Bộ Công hương cũng sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác….
Để cơ khí Việt Nam muốn có nhiều đơn hàng, tham gia chuỗi xuất khẩu, theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cơ khí Việt Nam cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ, trình độ khoa học công nghệ để có thể chế tạo các sản phẩm phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài với chủng loại đa dạng. 
Hiện nay, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đa phần còn thấp. Sau hơn 20 năm phát triển vẫn không có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh tiệm cận thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, doanh nghiệp cơ khí cần nâng cao năng lực để đón “sóng” FDI vào nước ta. 
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh là rất cần thiết. Nếu không có định hướng hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ vô cùng khó khăn, nhất là ngành cơ khí là ngành có công nghệ rất khó, vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm, đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác.
Nhật Minh 
lên đầu trang