Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 16/04/2024 | 16:21

Thứ ba, 16/04/2024 | 16:21

Tin KHCN

Cập nhật lúc 19:56 ngày 12/09/2021

Bình Dương đầu tư công nghệ, vực dậy sản xuất sau đại dịch

Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa - một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để chống chịu những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh, cũng như giảm số người lao động trong và sau dịch bệnh.
 Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư công nghệ để thích ứng xu thế phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam (Khu công nghiệp Đồng An 2)
Câu chuyện đường dài
Trong bối cảnh dịch bệnh cũng như việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, yếu tố cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt. Do vậy, DN Việt Nam vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động. Có nhiều nhân tố tác động đến quá trình tăng năng suất, chất lượng, trong đó có vai trò quyết định của đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình…
Theo ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên), trong bối cảnh dịch bệnh công ty vẫn cố gắng đưa vào vận hành lò gas con thoi chạy vỏ 213m3, đốt mẻ đầu tiên đạt chất lượng khá. Việc đầu tư và đưa vào vận hành lò gas lúc này là một bước chuẩn bị trước để hoàn thành những đơn hàng trong năm 2021, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Ông Vương Siêu Tín cho rằng dù trong năm 2021 đơn hàng rất nhiều song công ty vẫn không bằng lòng mà cố gắng phát triển sản xuất, trong đó công nghệ là một định hướng ưu tiên trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh giao thương hạn chế, việc ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam vươn lên khẳng định vị thế mới không chỉ nhờ “ăn may” mà là kết quả của một quá trình nỗ lực thích ứng, đổi mới từ đầu tư sản xuất đến phương pháp tìm kiếm khách hàng. Ông Nguyễn Thanh Được, Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Dầu Tiếng thông tin, năm 2020 sản lượng gỗ ván ghép tấm, phôi cao su giảm tương ứng 8% và 19%. Thế nhưng, sản lượng sản phẩm gỗ tinh chế của DN đạt đến 138% kế hoạch năm, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019. Tận dụng lợi thế thị trường, DN này đẩy mạnh đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế, sản phẩm nội thất cao cấp phục vụ xuất khẩu tới các thị trường như Mỹ, Úc, Anh... Theo ông Được, nhà máy sản xuất của DN hiện đã tận dụng hết 100% công suất. DN này đang lập dự án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế trên diện tích 10ha tại Nông trường Đoàn Văn Tiến (thuộc xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng).
“Chìa khóa” phát triển
Dệt may đang là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhờ đổi mới công nghệ, các DN dệt may Việt Nam đã cải thiện được năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính. Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, các DN ngành dệt may phải tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại và đào tạo nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tránh bị tụt hậu trong bối cảnh chi phí lao động và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu ngày càng tăng.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đại dịch Covid-19 không làm chậm lại quá trình chuyển đổi công nghệ mà còn thúc đẩy chuyển đổi lên tầm cao mới. Đồng thời, trở thành chất xúc tác để DN thay đổi và nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển đổi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Về lâu dài, DN cần chú trọng cải tiến năng suất lao động, giá trị sản phẩm, đặc biệt lưu ý xu hướng của các nhà mua hàng hiện nay là tìm kiếm những nhà sản xuất sử dụng vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm có thể chuyển đổi công năng, thân thiện với môi trường, qua đó có thể giữ vững vị thế mới của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ thế giới. Trong đại dịch dễ nhận thấy, những DN chủ động ứng dụng khoa học công nghệ có tỷ lệ tồn tại rất cao, ít tổn thương hơn. Thậm chí, nhiều DN đã cho thấy tính chủ động và năng lực đổi mới, nhanh chóng nghiên cứu, triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện mới.
Mặc dù đã đầu tư công nghệ tự động nhưng với đặc thù của một ngành sản xuất truyền thống với hàng ngàn chủng loại, mẫu mã sản phẩm, DN vẫn tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ, giảm thiểu lao động chân tay trong điều kiện thiếu hụt lao động đang đến gần. Với sự đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng, công nghệ sản xuất đến nơi sinh hoạt khép kín nên đơn vị hoàn toàn chủ động trong quá trình thực hiện phương châm này để bảo đảm công tác phòng dịch và duy trì sản xuất, xuất khẩu”.
(Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1)
Theo Báo Bình Dương
lên đầu trang