Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:27

Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:27

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:08 ngày 13/09/2021

Sớm hoàn thiện chính sách phát triển xe điện tại Việt Nam

Tại Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” vừa được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Báo Giao thông tổ chức theo hình thức trực tuyến mới đây, các đại biểu tham dự cho rằng, cần sớm hoàn thiện chính sách phát triển xe điện tại Việt Nam.
Xe điện - xu thế mới thân thiện với môi trường
Tại hội thảo, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước theo hướng hiện đại. Đặc biệt, chiến lược cũng đã xác định rõ việc khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...) nhằm đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết Quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Với dân số gần 100 triệu dân, trong khi số lượng xe điện còn rất hạn chế nên Việt Nam được coi là một thị trường tiềm năng cho các loại phương tiện xanh, thân thiện với môi trường. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hiện một số doanh nghiệp ôtô đã có bước đi đầu tiên, bắt đầu sản xuất kinh doanh xe điện như VinFast, Toyota, Mitsubishi… Nhanh nhạy nắm bắt xu thế, VinFast đã trở thành hãng xe tiên phong trên thị trường ô tô điện tại Việt Nam. Không chỉ gói gọn trong thị trường trong nước, VinFast còn đưa xe điện vươn tầm quốc tế khi hai mẫu SUV sắp ra mắt của thương hiệu này sẽ được bán song song tại cả Mỹ, Canada và Việt Nam. Các mẫu xe này đều được kiểm định nghiêm ngặt và được đánh giá an toàn với điểm số cao nhất từ các tổ chức uy tín tại Mỹ và châu Âu.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cùng với sự phát triển của xã hội, xu thế ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ là điều kiện tất yếu để góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập, việc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe điện trong nước tìm hướng đi mới về phương tiện sử dụng năng lượng sạch là nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh hiện nay.
Cần chính sách cụ thể cho phát triển xe điện tại Việt Nam
Theo ông Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải), trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản thương mại để hội nhập sâu rộng, mạnh mẽ với quốc tế và khu vực. Xe điện được phân loại vào nhóm xe cơ giới, do đó chịu sự quản lý của các quy định pháp luật về giao thông hiện hành. Tuy nhiên, xe điện thường đi kèm với các công nghệ tự lái. Do có đặc điểm vận hành đặc biệt nên cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống quy định pháp luật phù hợp để quản lý, vận hành đảm bảo an toàn. Để thúc đẩy ngành sản xuất xe điện phát triển, Bộ Giao thông Vận tải đang có chủ trương xây dựng các quy định liên quan đến xe điện như: an toàn điện, động cơ, pin, hệ thống điều khiển, an toàn thông tin, chuẩn sạc… trên cơ sở hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Phan Thị Thuỳ Dương - đại diện cho nhà sản xuất xe điện VinFast cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho xe điện, Nhà nước cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam trong các khoảng thời gian với các yêu cầu và mục tiêu cụ thể. Động lực cho sự phát triển ô tô điện trên thế giới chính là các quy định về bảo vệ môi trường cùng các chính sách về thuế và chế tài xử phạt. Đặc biệt, cần sớm ban hành quy hoạch chi tiết cho hạ tầng xe điện, bao gồm các địa điểm bố trí trạm, trang thiết bị nạp của trạm, công suất các trạm và sự cân bằng giữa công suất trạm nạp với mạng lưới điện cục bộ cũng như lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chế tài nhằm cụ thể hóa các quy định về xử lý các sản phẩm thải bỏ liên quan đến xe điện như ắc quy, ô tô và xe máy đã quá niên hạn sử dụng.
Đồng tình với các kiến nghị đã nêu, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường… Vì vậy, cần có một số giải pháp như: áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải ra môi trường; xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện…
Từ các phân tích và nhận định nêu trên, ông Đào Công Quyết - Ban quan hệ công chúng (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam) cho rằng, để phát triển lĩnh vực sản xuất ô tô điện, Việt Nam cần có một giai đoạn chuyển đổi, trong đó cần có lộ trình và các chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm: một là, ở giai đoạn khởi đầu (2021-2030), để khuyến khích nhu cầu thị trường cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt hài hoà cho các loại xe điện khí hoá để phát triển thị trường. Ngoài ra, cần giảm lệ phí trước bạ và hỗ trợ cho khách hàng (phí đỗ xe, thuế môi trường…) đối với tất cả các loại xe điện khí hoá. Hai là, bước sang giai đoạn tăng trưởng nhanh (2030-2040), cần hỗ trợ tài chính cho sản xuất và hoạt động của trạm sạc nhanh. Ba là, khi đến giai đoạn tăng trưởng ổn định (2040-2050), cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện chạy pin và giảm lệ phí trước bạ cho dòng xe này. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất và hoạt động của các trạm sạc nhanh.
Theo https://vjst.vn/
Tag:
lên đầu trang