Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:13

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:13

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:48 ngày 22/09/2021

Việt Nam: Hình mẫu về đổi mới sáng tạo

Theo nhận xét của các chuyên gia WIPO, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường đoán, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là một nỗ lực rất lớn.
Hình mẫu trong đổi mới sáng tạo
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố trực tuyến Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021. Đây là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia có uy tín trên thế giới do phản ánh đầy đủ, phong phú và xác đáng hơn về ĐMST (không chỉ căn cứ duy nhất vào các chỉ số gắn với nghiên cứu và phát triển) và phù hợp với dải rộng các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau, thu nhập khác nhau.

Ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã xuất hiện những chỉ dấu tích cực
Vì lý do này mà GII hiện được chính phủ nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như để xây dựng các chính sách khoa học, công nghệ và ĐMST, chẳng hạn: Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Columbia, Brazil…
Trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Mặc dù Việt Nam giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra ĐMST (thứ hạng 38) và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 02 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020, nhưng giá trị GDP mới, lớn hơn đã điều chỉnh lại thứ hạng của Việt Nam do nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán; trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).
Đặc biệt, trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trong các quốc gia xếp trên Việt Nam năm 2021, không có quốc gia nào ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, trong Báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành và trong bản thông cáo báo chí về GII 2021 của WIPO, Việt Nam tiếp tục được WIPO nêu trong Báo cáo như hình mẫu đáng học hỏi: “Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế GII có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng ĐMST theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện ĐMST toàn cầu trong những năm tới. Đó là chìa khóa để các quốc gia khác học hỏi từ các quốc gia như Việt Nam và tham gia nhóm các quốc gia liên tục đi lên về ĐMST”.
“Theo nhận xét của các chuyên gia WIPO, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường đoán, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và ĐMST trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn” - đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Ông Marco M. Aleman - Trưởng cơ quan hệ sinh thái ĐMST và sở hữu trí tuệ, Trợ lý - Đặc phái viên Tổng giám đốc WIPO - cho biết, Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi ĐMST là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển quốc gia. Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động ĐMST ở cấp độ cao nhất.
Thành quả đến từ sự vào cuộc quyết liệt
Theo đánh giá của WIPO năm 2021, chỉ số GII của Việt Nam có kết quả nổi bật về trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 22, tăng 12 bậc từ vị trí 34 năm 2020 - thứ hạng cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam đối với trụ cột này. Đây cũng là trụ cột có thứ hạng cao nhất trong 7 trụ cột của GII. Trong đó, tiến bộ mạnh mẽ nhất là nhóm chỉ số về thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường đã tăng 34 bậc, từ thứ hạng 49 lên 15 - cũng là thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay của nhóm chỉ số này.
Bên cạnh đó, nhóm chỉ số về tín dụng của Việt Nam luôn được đánh giá cao, tiếp tục giữ thứ hạng 9 đã đạt được từ năm 2020, và là nhóm chỉ số có thứ hạng cao nhất trong tổng số 21 nhóm chỉ số của GII. Các chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ĐMST, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và viện trường, phát triển các khu công nghiệp, kinh tế, khu công nghệ cao và các cụm công nghiệp nhỏ đã được phát huy, nhờ vậy, nhóm chỉ số liên kết ĐMST đã được cải thiện tích cực nhất từ trước tới giờ, tăng 17 bậc (từ hạng 75 lên 58)…
Có nhiều yếu tố quan trọng mang lại những kết quả tích cực nói trên, trong đó phải kể đến việc từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng đồng thời đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này, trong đó, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, chỉ số GII của Việt Nam giữ vững được vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong những năm qua.
Kết quả ĐMST của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác. Để nâng cao kết quả ĐMST một cách bền vững, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, lâu dài, có sự tham gia phối hợp của cả hệ thống chính trị mà trọng tâm là đưa hệ thống ĐMST quốc gia lên một tầm mức phát triển mới, trong đó khoa học, công nghệ và ĐMST thực sự trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh cải thiện các chỉ số thuộc trụ cột thể chế. Năng lực hoạch định chính sách, thực thi chính sách, đánh giá kịp thời điều chỉnh chính sách cần được nâng cao hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh khó lường đoán của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những biến động khách quan như đại dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu.
Đồng thời, nguồn nhân lực cho ĐMST cần được chú trọng xây dựng từ sớm qua hệ thống giáo dục và đào tạo; cải cách thể chế, tăng chi cho các hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng lực học hỏi công nghệ, hấp thụ tri thức, cả tri thức khoa học và tri thức kinh nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân, của các cơ quan và công chức, viên chức nhà nước...
Theo đánh giá của WIPO, điểm số 7 trụ cột GII của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của nhóm các nước cùng nhóm thu nhập và trong hơn 10 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển của mình, cho thấy hiệu quả của Việt Nam trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang