Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:15

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:15

Chính sách

Cập nhật lúc 07:15 ngày 25/09/2021

Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030

Ngày 22 tháng 9 năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 (Đề án). Đề án là sự tiếp nối của "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020" do Bộ Công Thương chủ trì, được thực hiện từ năm 2007 - 2020. 
Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” đã được phê duyệt tại Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
Tăng tối thiểu 10% số lượng doanh nghiệp CNSH đến năm 2025
Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển công nghiệp sinh học (CNSH) ngành Công Thương theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp; nâng cao tiềm lực, hiệu quả nghiên cứu, làm chủ công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ sinh học trong ngành Công Thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp CNSH và sản xuất sản phẩm mới, an toàn, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2025, triển khai các nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại hóa thiết bị, đổi mới công nghệ và nâng cấp về quy mô, trong đó tập trung phát triển các công nghệ đạt trình độ quốc tế phục vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ từ các nguồn nguyên liệu chủ lực của Việt Nam. Qua đó, giúp giảm giá thành sản xuất sản phẩm tối thiểu 25% so với công nghệ đang được ứng dụng tại các doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo chuyên gia trình độ cao (tiến sĩ, sau tiến sĩ) theo nhóm chuyên ngành phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương. Từng bước phát triển đồng bộ thị trường cho các sản phẩm công nghiệp sinh học ngành Công Thương, chú trọng hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm tra, kiểm định, truy xuất nguồn gốc gắn liền với hệ thống phân phối nội địa và xuất khẩu bằng công nghệ sinh học.
Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, tiếp nhận ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp nhằm tăng số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp từ các công nghệ được tạo ra của Đề án. Phát triển, tăng tối thiểu 10% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, tiến tới hình thành ngành công nghiệp sinh học ngành Công Thương.
Đến năm 2030, làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất; tiếp tục tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế; cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật sản xuất tiên tiến mang tầm quốc tế trong nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, mẫu mã công nghiệp, sản xuất và kinh doanh, hình thành hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp sinh học theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại thế giới, có khả năng ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp sinh học ngành Công Thương phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học ngành Công Thương tăng thêm tối thiểu 50% so với giai đoạn 2021 - 2025.
5 giải pháp chủ yếu
Để đạt được các mục tiêu kể trên, Đề án cần triển khai 05 nhiệm vụ chính. Một trong số đó là phát triển khoa học và công nghệ phục vụ CNSH ngành Công Thương. Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cấp quy mô các công nghệ đã hình thành trong giai đoạn đến năm 2020; chủ động triển khai nghiên cứu, tiếp nhận, giải mã công nghệ mới từ các nước có nền  CNSH tiên tiến trên thế giới để làm chủ, ứng dụng và phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực ngành Công Thương ở quy mô công nghiệp, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu trong nước (các sản phẩm nông sản; thủy sản; nấm ăn, nấm dược liệu, cây dược liệu, cây chè; thịt, sữa,...) tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vào các ngành, lĩnh vực gồm công nghiệp nhẹ, năng lượng, công nghiệp năng khác, thương mại. 
Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển tiềm lực công nghệ sinh học ngành Công Thương; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNSH ngành Công Thương. Các nhiệm vụ khác bao gồm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNSH ngành Công Thương; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học ngành Công Thương
Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng Ban Điều hành Đề án 
Bộ Công Thương được giao là cơ quan chủ trì tổ chức, triển khai, theo dõi, tổng hợp, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm. Ngoài ra, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ thực hiện Đề án.
Bộ Công Thương được thành lập Ban Điều hành do Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban, để tổ chức, theo dõi, đôn đốc thực hiện các nội dung của Đề án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Y tế và cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình hỗ trợ các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án.
Quyết định 1600/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 22/9/2021.
Xem chi tiết Quyết định 1600/QĐ-TTg TẠI ĐÂY.
"Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020" do Bộ Công Thương chủ trì được thực hiện từ năm 2007. Trong giai đoạn 2007-2020, công nghệ vi sinh và công nghệ enzyme là hai lĩnh vực chủ chốt được triển khai của Đề án. Trong đó, ứng dụng sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng là định hướng trọng tâm. 
Trong 13 năm thực hiện, Đề án đã phê duyệt triển khai 148 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 97 đề tài (chiếm 65,5%) và 51 dự án sản xuất thử nghiệm (chiếm 34,5%). Gần 1.000 nhà khoa học đến từ hơn 50 đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học khắp cả nước đã tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Đề án.
Cùng với đó, hơn 200 quy trình công nghệ đã được nghiên cứu, hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, kinh doanh.
Gần 100 sản phẩm tiêu biểu thuộc Đề án đã được nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp tham gia.
Theo Trang TTĐT Công nghiệp sinh học Việt Nam

lên đầu trang