Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 23:21

Thứ năm, 25/04/2024 | 23:21

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 12:59 ngày 11/10/2021

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM ưu tiên đầu tư nghiên cứu lĩnh vực thực phẩm, môi trường và công nghệ sinh học

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI) là đơn vị giáo dục trực thuộc Bộ Công Thương. Trường tập trung đào tạo về các nhóm ngành kỹ thuật, đặc biệt thế mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm. Những năm gần đây, HUFI đã quy tụ được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ, có năng lực chuyên môn cho quá trình phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo của trường.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chia sẻ về những kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu, chuyển giao KH&CN của nhà trường.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật mà Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI) đã đạt được trong thời gian qua trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ?
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn: 
Hiện nay, HUFI là cơ sở đào tạo có quy mô lớn và có truyền thống của ngành Công Thương. Bậc đào tạo đại học với 34 ngành chính quy, bậc đào tạo sau đại học với 10 chuyên ngành thạc sỹ và 3 chuyên ngành tiến sỹ. Quy mô đào tạo hiện nay khoảng 20.000 sinh viên.
Trong thời gian qua, nhà trường đã chủ động phát triển tất cả chương trình đào tạo (CTĐT), đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp nhằm đạt chuẩn đầu ra. Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực con người và các điều kiện đảm bảo khác chuẩn bị phương thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến (e-learning), kết hợp giữa phương pháp học truyền thống với học trực tuyến (blended learning) cho một số CTĐT và một phần CTĐT đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với đó, tăng cường gắn kết các hoạt động của trường với doanh nghiệp để cùng tham gia xây dựng CTĐT, tổ chức đào tạo, thực tập, học kỳ doanh nghiệp và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chất lượng đào tạo hàng năm trung bình khoảng 8% xếp loại giỏi, xuất sắc và 65% xếp loại khá. Tỷ lệ người học tốt nghiệp ra trường có việc làm sau 6 tháng trình bình đạt trên 90%, sau 12 tháng là 100%.
Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên và sinh viên HUFI thời gian gần đây đã đi vào chiều sâu và mang tính học thuật cao, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách phục vụ việc dạy và học đạt chuẩn đầu ra. Các hoạt động tập trung nghiên cứu ứng dụng bao gồm: Công nghệ thực phẩm, thủy sản, sinh học, môi trường, hóa học, Cơ điện tử, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên, kinh tế phát triển, chính trị, xã hội.
Tổng số lượng đề tài NCKH nhà trường đã thực hiện là 676 công trình, trong đó có 8 đề tài cấp Nhà nước, đề tài NCKH của Quỹ phát triển khoa kọc và công nghệ quốc gia, 43 đề tài cấp Bộ/đề tài cấp Thành phố và 729 đề tài cấp cơ sở.
Trong giai đoạn 2017-2021, Trường đã công bố khoảng 950 bài báo khoa học quốc tế thuộc hạng ISI, Scopus, SCI và SCIE và 615 bài báo ISSN/ISBN. 
Nhà trường đã ban hành quy định quản lý các nhóm nghiên cứu và thành lập 7 nhóm nghiên cứu mạnh. Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm đã chính thức trở thành thành viên của hệ thống Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (VJOL và VCgate) và đã có 5 ngành, liên ngành được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm.
Nhà trường ban hành Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ, theo đó tiêu chí quan trọng đối với một đề tài/dự án NCKH là công bố bài báo và sản phẩm nghiên cứu phải “có tính hữu hình". Trường có đầu mối tổ chức và quản lý các hoạt động KH&CN toàn trường, hỗ trợ các thủ tục liên quan đến việc đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích cho các nhà nghiên cứu. Sản phẩm nghiên cứu có thể chuyển giao công nghệ cho các công ty ngoài trường hoặc các công ty thuộc trường được thành lập theo cơ chế tự chủ để tiếp tục nghiên cứu nâng cao, sản xuất thử nghiệm tiến tới thương mại hóa sản phẩm. Đó là mô hình công ty đại diện trong chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả NCKH tại HUFI.
Đến nay, Trường đã thành lập 6 đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thuộc trường quản lý. Các sản phẩm của nhà trường đã được thương mại hóa như: đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, rong nho HUFI, chả cá HUFI, nước mắm HUFI, nước ép thanh long…
Dự án “Nghiên cứu và sản xuất sản phẩm Bananist từ cây chuối hột hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường” của sinh viên khoa Công nghệ Thực phẩm tham dự SV.STARTUP-2020
Là đơn vị giáo dục hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm, nhà trường đã có những hoạt động gì để thu hút được đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, đón đầu xu hướng nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao? 
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn:
Đến thời điểm hiện nay, HUFI có 39 đơn vị, trong đó có 1 viện, 16 khoa đào tạo, 6 phòng, 10 trung tâm và 6 Công ty thuộc trường. Tổng số cán bộ viên chức toàn trường là 745 người, trong đó 78,3% cán bộ giảng dạy và 21,7% cán bộ hành chính. Cơ cấu chất lượng nhân sự 77,8% thạc sĩ và 24,2% là GS,PGS,TS. Tỷ lệ người học trên giảng viên hiện đang ở mức quy định của tất cả các khối ngành. 
Trong quá trình hoạt động, nhà trường tăng cường kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục và cấp CTĐT. Việc kiểm định chất lượng giáo dục có tác động làm thay đổi tích cực từ nhận thức đến hành động của cán bộ, giảng viên và người học, tạo dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong Trường, đã giúp mọi hoạt động của trường cải tiến liên tục, đạt được những kết quả đáng khích lệ như: được chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học năm 2017 và hiện đã hoàn thành tự đánh giá chu kỳ 2 theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá mới (Thông tư 12); có 02 CTĐT đạt chuẩn kiểm định của AUN-QA, 10 CTĐT đại học và 03 CTĐT thạc sỹ đạt chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT và hiện đang thực hiện đánh giá ngoài 06 CTĐT; tuyển sinh hàng năm luôn đạt chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh; 100% CTĐT được thiết kế, dạy học và đánh giá theo chuẩn đầu ra; công bố quốc tế hàng năm nằm trong tốp 30 của các cơ sở giáo dục Việt Nam, xếp hạng 57 theo Webometrics...
Để nâng cao chất lượng đội ngũ, thực hiện chiến lược đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2020-2025, hiện đang có 107 giảng viên đang học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Hàng năm tất cả giảng viên đều được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển CTĐT, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, tin học và ngoại ngữ...
Tăng cường cơ sở vật chất: HUFI đã hoàn thành các hạng mục công trình Trung tâm Thí nghiệm thực hành; cải tạo và sửa chữa các hạng mục công trình giảng đường, lớp học, Trung tâm Thông tin thư viện đạt chuẩn quốc tế. Công tác chỉnh trang nhỏ cũng đã dần hoàn thiện góp phần tôn tạo vẻ đẹp trong toàn khuôn viên Trường mang đậm nét không gian mở - thân thiện. Hàng năm Nhà trường chi hàng trăm tỷ đồng để tăng cường đầu tư đầy các trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu của giảng viên và người học.
Những năm qua, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) là một lĩnh vực được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Tổng số máy tính phục vụ đào tạo hiện nay là 1.191 bộ, trong đó có 8 Server; 164 máy tính phục vụ quản lí, hành chính văn phòng; 1.027 máy tính phục vụ giảng dạy, học tập và NCKH. Đầu năm 2019, Trường đã đầu tư nâng cấp hệ thống máy chủ, kết nối đồng bộ dữ liệu internet giúp cán bộ, giảng viên và người học hoàn toàn có thể sử dụng thiết bị từ xa, thông minh để xử lý và giải quyết công việc.​
Xu thế của nền giáo dục đại học hiện đại là chuyển đổi số, tiếp cận và áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào nhà trường. HUFI đã chọn cho mình hướng đi như nào để đáp ứng được nhu cầu bức thiết của cách mạng 4.0?
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn: 
Hướng đi của HUFI để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0 chính là Chuyển đổi số theo lộ trình từ số hóa đến việc xác định mô hình hoạt động số và cuối cùng là thực hiện thay đổi theo mô hình số đã xác định.
Ngay từ những năm 2018-2019 trường đã từng bước số hóa các hoạt động, mục tiêu đến năm 2023 là ứng dụng hoàn toàn CNTT trong các hoạt động như đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, phương thức kiểm tra, đánh giá người học, NCKH, công tác quản trị và điều hành Nhà trường, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái giáo dục số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần thực hiện thành công việc chuyển đổi số quốc gia.
Trường đã đầu tư trang bị hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT hiện đại, phần mềm tổng thể hệ thống quản trị trường trên các nền tảng số. Xây dựng hệ thống CSDL lớn liên thông và đồng bộ, có tính mở để phát triển hệ thống. Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn bị đầu tư phòng thực hành, phòng mô phỏng, phòng lab, thư viện số, phòng thu và ghi hình…
Đã triển khai hình thức đào tạo kết hợp trong học tập (blended learning) bằng cách kết nối giữa hình thức đào tạo trực tuyến sử dụng các nền tảng công nghệ và hình thức học tập truyền thống trên lớp với tối đa 30% CTĐT; triển khai hệ thống các giải pháp học tập có tính tương tác cao; Đẩy mạnh việc tổ chức thi, kiểm tra đánh giá trực tuyến; công nhận giá trị của các chứng chỉ học trực tuyến; xây dựng nền tảng chung toàn trường về kiểm tra chống đạo văn trong người học. Đồng thời số hóa tài liệu, học liệu, chia sẻ và khai thác nguồn học liệu này trên môi trường Internet và thiết bị thông minh; hoàn thiện cổng dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến đối với người học; đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến giữa các đơn vị trong Trường.
Nói tóm lại, trong điều kiện dịch bệnh, mỗi tổ chức, cá nhân phải thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ là con đường duy nhất để quản trị, điều hành thành công. Đồng thời từng bước thay đổi quy trình, nghiệp vụ tại mỗi vị trí làm việc của các đơn vị, giảng viên, viên chức quản lý và người học để từng bước tạo nên văn hóa số trong Trường. 
Hoạt động triển khai các hoạt động nghiên cứu/thử nghiệm  tại nhà trường 
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. Ông có thể cho biết thêm một số định hướng nghiên cứu và phát triển của nhà trường trong giai đoạn tới đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến thực phẩm?
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn: 
Thực hiện Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai từ năm 2007 đến năm 2020 và đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để sản xuất, chế biến thực phẩm. Căn cứ vào các kết quả triển khai Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. Điều này cho thấy Chính phủ đã đánh giá chính xác, đầy đủ, kịp thời tầm quan trọng của lĩnh vực CNSH trong với sự phát triển của đất nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng. 
Là  đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, HUFI đón nhận Đề án trên trên tinh thần rất phấn khởi. Đề án chính là cơ hội và cũng là thử thách để HUFI có thể  tham gia cùng các đơn vị khắp cả nước góp sức để Đề án thành công. Phải nói thêm là, kể từ khi thành lập trường (1982) đến nay, chủ trương của Nhà trường là đầu tư bài bản, dài hơi và có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng phục vụ doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội và đối tượng hưởng lợi từ các hoạt động này chính là người học.
Sản phẩm "sữa chua Kefir lên men từ các loại đậu" của sinh viên trường ĐH CNTP TPHCM
Lĩnh vực thực phẩm, môi trường cùng với công nghệ sinh học luôn là những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư phát triển của Nhà trường. Nhiều đề tài nghiên cứu, công bố khoa học trong những năm qua đã chứng minh hiệu quả đầu tư đúng định hướng của Nhà trường. Kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực này được xây dựng trên cơ sở các Chương trình, các Đề án KHCN cấp Quốc gia mà trường đã triển khai thực hiện. 
Tóm lại, Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030, sẽ tạo ra một cú hích rất mạnh và rất quan trọng để lĩnh vực CNSH phát triển mạnh theo hướng công nghiệp không chỉ cho riêng ngành Công Thương mà còn có tác động ở những ngành khác như nông nghiệp, y tế, môi trường,... Với thế mạnh của mình, HUFI sẵn sàng tham gia Đề án với tư cách vừa đóng góp vừa thừa hưởng thành quả, góp phần mang lại thành công cho Đề án và nhà trường.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Doãn Tâm ghi
lên đầu trang