Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 23/04/2024 | 16:23

Thứ ba, 23/04/2024 | 16:23

Chính sách

Cập nhật lúc 08:47 ngày 06/10/2021

Khoa học và công nghệ ngành Công Thương: Gắn với chuyển đổi số

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, giai đoạn tới, các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương sẽ được triển khai tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN, xác định KH&CN phải là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vấn đề đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các DN và toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, quá trình ứng dụng các công nghệ mới, chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Quá trình ứng dụng công nghệ mới đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn
Theo đó, hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính như sau: Nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành, bao gồm: Cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa; khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu; công nghiệp năng lượng; công nghiệp nhẹ; công nghệ sinh học và công nghiệp môi trường.
Một nhiệm vụ khác là tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ, tập trung rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN ngành Công Thương; tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả của đội ngũ chuyên gia tư vấn và cán bộ quản lý các cấp về KH&CN và đổi mới sáng tạo và tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội về hoạt động KH&CN.
Song song với đó, một số chương trình, đề án KH&CN trọng điểm sẽ được triển khai, cụ thể: Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng thời, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến; thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất, góp phần hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế.
“Đặc biệt, xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da giày, trong đó ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa” - đại diện Vụ KH&CN thông tin.
Cũng theo Vụ KH&CN, ngành Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ trong công nghiệp và thương mại; ưu tiên các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam.
Thời gian tới, hoạt động KH&CN ngành Công Thương tiếp tục tập trung vào thực hiện Đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030, hướng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang