Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:27

Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:27

Chính sách

Cập nhật lúc 10:32 ngày 14/10/2021

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng và ưu tiên đầu tư phát triển. Hiện Chính phủ đang nỗ lực sửa đổi nhiều chính sách quan trọng mang tính chiến lược, toàn diện và đồng bộ thúc đẩy ngành CNHT phát triển trong thời gian tới.
Việt Nam đã có những bước tiến về phát triển hành lang pháp lý cho CNHT
Theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT thì CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Sản phẩm CNHT bao gồm vật liệu, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Nói tới cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển ngành CNHT trước hết phải kể tới Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 2/11/2015 Chính phủ về phát triển CNHT đã xác định 6 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi, đó là dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm CNHT cho công nghệ cao nhằm giúp CNHT ở Việt Nam tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh mới. Nghị định cũng đã quy định cụ thể các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tín dụng. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển còn được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư và tiền thuê đất.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản liên quan như Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 3/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT; Quyết định số 68/QĐ-TTg, ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025… cũng đã từng bước cụ thể hướng phát triển và những chính sách hỗ trợ để ngành CNHT càng phát triển và lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, trong hai năm gần đây Việt Nam đã có những bước tiến về phát triển hành lang pháp lý cho CNHT. Cụ thể, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát là đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%... Nghị quyết đã nêu ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của CNHT, hình thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng…
Gần đây nhất, Nghị định 57/2021/NĐ-CP được ban hành đã tháo gỡ vướng mắc về vấn đề ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thành lập trước năm 2015.
Có thể thấy, nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý cho CNHT dần có hiệu ứng tích cực đến tâm lý và quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh các sản phẩm CNHT, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, qua đó góp phần thúc đẩy ngành CNHT trong nước.
Tuy nhiên, CNHT Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất và lắp ráp ô tô, dệt may, da giày,… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Do đó, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 111 để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức và cá nhân, theo yêu cầu của Nghị quyết 115.
Theo ý kiến các chuyên gia, Nghị định 111 sửa đổi cần quy định rõ hoạt động gia công sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thuộc danh mục cũng được áp dụng ưu đãi; đồng thời cần rà soát, đánh giá lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để bổ sung các sản phẩm CNHT mới vào danh mục cần được ưu tiên phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế. Nghị định cần được sửa đổi theo hướng thống nhất với các quy định về đầu tư và thuế, cần xem xét bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp về tín dụng, bảo vệ môi trường, về pháp lý, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều kiện ưu đãi mang tính chọn lọc hơn để thu hút các dự án CNHT có chất lượng và hiệu quả, đảm bảo mục tiêu phát triển “xanh” và “sạch” của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát các điều kiện hiện tại để đánh giá khả năng hưởng ưu đãi theo diện CNHT, có kế hoạch hành động để hoàn thiện các điều kiện nhằm gia tăng khả năng đáp ứng.
Theo Tạp chí Cơ khí
lên đầu trang