Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:43

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:43

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:38 ngày 22/10/2021

VICEM hướng đến doanh nghiệp số, phát triển bền vững

VICEM (Tổng công ty xi măng Việt Nam) xác định phát triển bền vững là định hướng trong thời gian tới, trong đó chuyển đổi số là một trong các mục tiêu trọng tâm. 
Đẩy mạnh số hóa 
Với bề dày lịch sử 42 năm, VICEM tự hào là một trong những doanh nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á, phát triển cùng những thăng trầm của ngành xi măng Việt Nam từ những năm đầu đổi mới. Đến nay, VICEM đã cung cấp cho thị trường gần 500 triệu tấn sản phẩm, nắm giữa 35% thị phần cả nước. 
Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang len lỏi vào từng ngõ ngách của nền kinh tế, VICEM cũng tận dụng mọi cơ hội ứng dụng thành quả KHCN nhằm theo kịp những biến chuyển của ngành và đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, doanh nghiệp đã triển khai đề án số hóa với hai nhánh nhiệm vụ chính là số hóa công tác điều hành, bán hàng và số hóa dây chuyền sản xuất. 
VICEM tăng cường tự động hóa, ứng dụng KHCN tại các cơ sở sản xuất. Trong ảnh là dây chuyền xuất bao tự động tại VICEM Hạ Long. Ảnh: VICEM. 
Trong sản xuất, VICEM tập trung nguồn lực vào việc phục hồi, nâng cấp thiết bị. Đồng thời tiến hành tự động hóa tối đa các dây chuyền, ứng dụng công nghệ số trong quản lý tiến tới mô hình sản xuất thông minh, giảm thiểu sai sót và nâng cao hiệu suất vận hàng. 
Trong công đoạn khai thác, vận chuyển nguyên liệu, VICEM ứng dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện kết hợp phần mềm quản lý khai thác theo khối chất lượng. Đồng thời ứng dụng công nghệ GPS, sử dụng phần mềm tối ưu hóa vận tại nhằm quản lý phương tiện vận chuyển. 
Đối với công đoạn chuẩn bị nguyên liệu thô, phần mềm tối ưu hóa phối liệu tự động kết hợp kiểm soát chất lượng nguyên liệu trực tuyến trên băng (PGNAA) đã tăng tỷ lệ tự động hóa, cải thiện hiệu quả sản xuất đáng kể. Các công đoạn cốt lõi sản xuất như nghiền, nung được sử dụng thiết bị điện thông minh, ứng dụng phần mềm chuyên dụng vận hành tối ưu dây chuyền. Đóng gói và xuất bao cũng được tự hóa ở mức cao. 
Bên cạnh đó các hoạt động kiểm soát chất lượng cũng được tối ưu hóa ở mức cao. Việc lấy mẫu, vận chuyển được tự động và tối ưu hóa. Việc phân tích mẫu được sử dụng kết hợp robot, kết nối dữ liệu trực tiếp với máy tính xử lý thông minh. Ở bước này, VICEM đã xây dựng trung tâm thông tin tập trung để lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn, kết nối trực tiếp với hệ thống điều hành sản xuất tại từng đơn vị sản xuất nhằm đưa ra các quyết định tối ưu. 
Trên những cơ sở đó, việc sản xuất được thực hiện đồng bộ, liên tục và phù hợp với thực tế từng đơn vị với mục tiêu cuối cùng là tối ưu hiệu quả sản xuất. 
Thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững
Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất xanh, VICEM chú trọng áp dụng các biện pháp sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý. Cụ thể, Tổng công ty triển khai Chương trình thử nghiệm sử dụng bùn thải, rác thải công nghiệp. Theo đó, các đơn vị trực thuộc ký hợp đồng với các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất để mua xỉ, tro bay và thạch cao nhân tạo từ chất thải GYPS… để làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng. Đồng thời tăng cường sử dụng các nguyên liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, hướng đến sản xuất bền vững. 
Bãi xử lý nguyên liệu thay thế của VICEM Bút Sơn. Ảnh: VICEM.
Điển hình, từ năm 2011 VICEM Bút Sơn đã bắt đầu triển khai hệ thống đốt RTNH (chất thải nguy hại) tại lò nung clinker. Sáng kiến dựa trên nhu cầu xử lý các chất thải rắn tại địa phương ngày càng cao (nhựa, PVC, lốp xe, dầu thải chứa PCB, chất lỏng kiềm, đất nhiễm bẩn, tro, xỉ công nghiệp…). Trong khi đó thiết bị lò nung clinker của nhà máy đã có sẵn, nhiệt độ sơ cấp vào khoảng 1.150-1.200 độ C, đảm bảo khả năng đốt dioxin và furans hoàn toàn. Trên cơ sở đó, các kỹ sư VICEM đã cải thiện hệ thống đốt có van Vitme và đốt đẩy đảm bảo an toàn khi đưa RTNH vào buồng đốt, không phát sinh ô nhiễm ra môi trường bên ngoài. Hệ thống đốt RTNH này có khả năng xử lý nguyên liệu thay thế hiệu suất cao và liên tục, có thể thay thế tới 14% nguyên liệu than. Đồng thời, giúp địa phương xử lý hiệu quả một phần chất thải rắn. 
Bên cạnh đó, VICEM thúc đẩy ứng dụng KHCN tại các nhà máy, cải thiện hiệu quả sản xuất theo hướng tăng năng suất và đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường.
Ví dụ điển hình tại VICEM Hoàng Thạch. Từ nhiều năm nay, nhà máy đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường tiêu chuẩn ISO 14001:1996. Cùng lúc, cực đẩy mạnh các sáng kiến kỹ thuật, cải tiến trong sản xuất nhằm cân đối bài toán kinh tế và môi trường. Cụ thể, năm 2018 -2020, theo chỉ đạo của Tổng công ty, VICEM Hoàng Thạch đầu tư hơn 20 tỷ đồng cải tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện nhỏ hơn 30 mg/m3 khí tiêu chuẩn, lắp đặt hệ thống quan trắc online khí thải, bụi thải. Tổng cộng nhà máy đã tiến hành cải tạo 11 hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lắp đặt 136 lọc bụi tay áo và 10 điểm quan trắc online. Đồng thời lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi tại khu vực sản xuất clinker cảng 23, tiến hành các biện pháp xử lý bụi phát sinh tại các cửa rút clinker silo con W1L02 -HT1, W2L20-HT2… 
Tương tự, thời gian gần đây VICEM Hải Phòng đã ứng dụng hơn 40 đề tài cải tiến. Các cải tiến tập trung vào các điểm mấu chốt nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu, giảm phát thải gồm: giảm tổn thất nhiệt lò nung, cải tiến khoang ghi tĩnh, phục hồi van thu hồi nhiệt phát thải, tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu thay thế… Các sáng kiến đã nâng cao đáng kể hiệu quả vận hành hệ thống, giảm thời gian và chi phí sửa chữa, giúp nhà máy tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm. 
“Không phát thải-tuần hoàn tự nhiên” là mục tiêu tiến tới của VICEM nhằm giảm 8% phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Ảnh: VICEM.
Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, VICEM đã vinh dự được trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Nhiều tập thể, cá nhân của VICEM được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác. 
Trong thời gian tới, VICEM xác định hướng phát triển “Không phát thải-tuần hoàn tự nhiên” là mục tiêu tiến tới nhằm giảm 8% phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Bên cạnh đó, doanh nghiệp quyết tâm ứng dụng KHCN nhằm tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng lực kinh tế và năng lực cạnh tranh, nhằm giữ vững vị thế vai trò của đơn vị trụ cột ngành xi măng Việt Nam. 
Theo http://scp.gov.vn/
lên đầu trang