Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:48

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:48

Tin KHCN

Cập nhật lúc 21:37 ngày 27/10/2021

Bộ Công Thương đẩy mạnh thương mại điện tử cho nông sản

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS) đã tăng cường phối hợp với các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đối tác vận hành TMĐT khác đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến, giải quyết đầu ra cho bà con nông dân.
Hiện trong tháng 10/2021, Cục đang phối hợp triển khai "Chương trình Tuần lễ nông sản Việt" trực tuyến trên sàn TMĐT Sendo, đẩy mạnh tiêu thụ trực tuyến cho các mặt hàng trái cây của các tỉnh, thành miền Nam. Trước đó, Cục TMĐT & KTS cũng đã phối hợp với nhiều đơn vị vận hành TMĐT khác để triển khai các chương trình thúc đẩy tiêu thụ đặc sản vùng miền. Điển hình như "Ngày đặc sản Sơn La", "Tuần lễ nông sản Việt"; "Mùa trái chín rộ"... phối hợp với các sàn TMĐT Vỏ Sò, Sendo, Shopee, Tiki, Lazada và các công ty dịch vụ thanh toán, logistic Viettel Post, Zalopay.
Kết quả của các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến này rất khả quan. Cụ thể, với chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu, chỉ sau gần 10 ngày lên sàn TMĐT Vỏ Sò đã hỗ trợ tiêu thụ gần 200 tấn hành tím cho bà con Sóc Trăng. 
Tương tự, chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang được thực hiện với sự phối hợp giữa Cục TMĐT & KTS, Bộ TT&TT, UBND tỉnh Bắc Giang đã giúp vải thiều Lục Ngạn đồng loại lên sáu sàn TMĐT lớn nhất là Vỏ Sò, Sendo, Shopee, Tiki, Lazada và Postmart. Chương trình gây tiếng vang lớn, hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ trên 9.000 tấn vải thiều với hơn 1 triệu đơn hàng. Con số này vượt xa mục tiêu ban đầu mà tỉnh Bắc Giang đặt ra là 2.000 tấn. 
Bộ Công Thương đang phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp vận hành TMĐT để triển khai nhiều chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương tiêu biểu.
Để triển khai tiêu thụ mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi trên TMĐT, các đơn vị vận hành đã tổ chức cho chuyên viên đến tận nơi cầm tay chỉ việc, giúp người nông dân các kỹ năng đóng gói, vận chuyển, thậm chí hỗ trợ kỹ thuật xây dựng thương hiệu, livestream bán hàng… Điều này đã góp phần giúp xây dựng niềm tin và duy trì thói quen đi chợ trực tuyến trong thời gian qua. 
Mục tiêu trước mắt của các hoạt động này nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông sản, đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, không đứt gãy nguồn hàng trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Tuy vậy thực tế chứng minh TMĐT có thể làm tốt hơn thế với sự thuận lợi là thói quen mua sắm điện tử đang dần hình thành ở một bộ phận đông đảo người tiêu dùng. Ngoài ra, việc hoàn thiện hệ sinh thái mua sắm trực tuyến, từ vận chuyển, thanh toán… cộng thêm nâng cao chất lượng dịch vụ, hàng hóa cũng giúp người dân có cái nhìn tích cực hơn về việc “đi chợ online”. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiêu thụ, phân bổ hàng hóa, đặc biệt là nông sản trong thời gian tới trên các kênh TMĐT.
Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp vận hành TMĐT để triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa các chương trình tương tự. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp. Về phía người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn mua sắm các sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Theo scp.gov.vn
lên đầu trang