Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:02

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:02

Tin KHCN

Cập nhật lúc 12:14 ngày 13/11/2021

Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương đạt mốc 10 triệu lượt truy cập

Nhằm đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, công bố thông tin về khoa học và công nghệ của ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã thực hiện phổ biến rộng rãi các hoạt động nghiên cứu, quản lý khoa học công nghệ bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, Trang Thông tin điện tử (TTĐT) Hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) là kênh thông tin nguồn, đang dần trở thành địa chỉ truy cập thường xuyên của đông đảo nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài ngành.
Dấu mốc quan trọng
Tháng 3/2020, Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương chạm mốc 6 triệu lượt truy cập. Chỉ 7 tháng sau - tháng 10/2020, con số này nâng lên thành 7 triệu. Đến tháng 11/2021, số lượng lượt truy cập Trang chính thức cán mốc 10 triệu. Con số ấn tượng này vừa minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa là dấu mốc đáng khích lệ đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, đội ngũ biên tập Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương.
Website Hoạt động Khoa học công nghệ ngành Công Thương (địa chỉ truy cập: https://khcncongthuong.vn/) do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) xây dựng và vận hành. Ngày 23 tháng 11 năm 2018, website được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép số 296/GP-TTĐT hoạt động theo hình thức trang thông tin điện tử. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Ban Biên tập đẩy mạnh nội dung thông tin, hoạt động chuyên nghiệp và có chiều sâu hơn.
Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương hiển thị tối ưu trên các thiết bị khác nhau như máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại thông minh. 

Bên cạnh đổi mới, đầu tư chất lượng nội dung thông tin, giao diện, công nghệ cũng luôn được cập nhật, nâng cấp nhằm tối ưu hiệu quả. Tốc độ tải trang trung bình chỉ 3,48 giây trên các thiết bị khác nhau như máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại thông minh.
Số liệu thống kê từ Google Analytics cho thấy, mức độ hiển thị của trang TTĐT KHCN ngành Công Thương trên Google Tìm kiếm đã có sự tăng trưởng. Tại cùng thời điểm, nếu như năm 2020, lưu lượng truy cập trang TTĐT KHCN ngành Công Thương đến từ công cụ tìm kiếm Google chiếm 54,09% thì đến năm 2021, lưu lượng truy cập trang đến từ công cụ tìm kiếm số 1 thế giới này đạt 58,34%.
Đáng chú ý, số lượt người truy cập Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương ngày càng tăng. Bình quân mỗi ngày có trên 8.200 lượt người truy cập; cao điểm lượt truy cập lên đến hơn 9.000 lượt/ngày. Đến ngày 12 tháng 11 năm 2021, số lượt người truy cập trang đã chính chức chạm mốc 10 triệu lượt, tăng 3 triệu lượt truy cập so với cùng kỳ năm trước.
Cầu nối thông tin khoa học và công nghệ
Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương ra đời nhằm mục đích đa dạng hóa, mở rộng hình thức tuyên truyền, bổ sung kênh thông tin qua Internet để tuyên truyền, phổ biến thông tin về hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
PGS.TS Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương là địa chỉ tin cậy để người dùng có thể kiểm tra, xác minh lại tính chính xác và chính thống của các thông tin, đặc biệt là khi những thông tin trôi nổi đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các kênh mạng xã hội. Đối với Đại học Công nghiệp Hà Nội, trang TTĐT KHCN ngành Công Thương đã trở thành kênh truyền thông hữu hiệu thứ hai về những hoạt động, thành tựu của Nhà trường bên cạnh website chính thức  https://www.haui.edu.vn/. Thông qua Trang TTĐT, thông tin về các hoạt động của Nhà trường cũng được tiếp cận và lan tỏa tới nhiều độc giả hơn”.
Chia sẻ về hiệu quả hoạt động của Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương, PGS.TS Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho rằng, đây là kênh cung cấp thông tin nhanh, hiệu quả về các chủ trương, đường lối, định hướng của Bộ Công Thương, đồng thời cũng là công cụ hữu hiệu, là cầu nối liên kết 3 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. “Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương cập nhật rất nhiều và nhanh những thông tin hữu ích, những kết quả nghiên cứu thành công không chỉ của các đơn vị/cá nhân thuộc Bộ Công Thương mà còn cả những đơn vị/tập thể ngoài ngành. Đối với các nhà khoa học, đây là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học công nghệ. Đối với các doanh nghiệp, đây là nơi họ có thể tìm thấy thông tin về những công nghệ mới phù hợp với hoạt động của mình để tiến tới trao đổi, chuyển giao công nghệ”, PGS.TS Vũ Nguyên Thành nói.
Biểu đồ thể hiện số lượng lượt truy cập Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương theo thời gian (Nguồn: Google Analytics)
Không chỉ là kênh thông tin hữu ích đối với các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp, Trang thông tin còn là kênh thông tin nguồn, nơi trao đổi và trích dẫn thông tin tin cậy, nhanh chóng đối với các cơ quan báo chí, tạp chí chuyên ngành.
TS. Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, thời gian qua, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi nguồn thông tin KH&CN, kịp thời cung cấp cho độc giả những tin, bài có chất lượng tốt về hoạt động KH&CN ngành Công Thương. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong những nguồn báo chí thường xuyên được Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương trích dẫn, đăng tải link thông tin. Cũng qua khai thác các thông tin tổng hợp của Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chọn lựa được những chủ đề hay để khai thác, đặt bài, mở rộng đội ngũ cộng tác viên ngành Công Thương.
TS. Phan Ngọc Trung - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dầu khí cho biết, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới với xu thế ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số, các kênh truyền thông khoa học và công nghệ trở thành cầu nối, cung cấp góc nhìn mới, truyền đạt các đề xuất ý tưởng mới cùng với những giải pháp phù hợp cho sự phát triển của Ngành Dầu khí Việt Nam. “Nhiều bài viết trên Tạp chí Dầu khí được Vụ Khoa học và Công nghệ thường xuyên lựa chọn và đăng tải trên Trang TTĐT KHCN ngành Công Thương. Đó là vinh dự, đồng thời là động lực để Tạp chí Dầu khí giới thiệu nhiều hơn nữa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ dầu khí nhằm tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh và đột phá trong ứng dụng sáng tạo công nghệ, góp phần phổ biến các công nghệ mới đến độc giả”, TS. Phan Ngọc Trung chia sẻ.
Sự kiện trang TTĐT KHCN ngành Công Thương đạt mốc 10 triệu lượt truy cập đem đến những khích lệ lớn đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên. Nhân dịp này, Ban Biên tập trân trọng gửi lời cảm ơn tới độc giả đã đồng hành trong suốt thời gian qua. Ban Biên tập hy vọng sẽ tiếp tục nhận được cộng tác thông tin từ các chuyên gia, nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, đơn vị trong và ngoài ngành Công Thương. Ban biên tập xác định nỗ lực hơn nữa, mong muốn tiếp nhận nhiều hơn nữa những ý kiến đóng góp để trang TTĐT thực sự trở thành diễn đàn của cộng đồng những người quan tâm và yêu thích khoa học và công nghệ, đồng thời trang TTĐT sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ của cả nước.
“Ban Biên tập sẽ phấn đấu tiếp tục hoàn thiện và phát triển hơn nữa đưa trang TTĐT Hoạt động Khoa học và công nghệ ngành Công Thương trở thành một công cụ đồng hành và không thể thiếu trong công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại góp phần thực hiên Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương”, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa –Trưởng Ban Biên tập khẳng định.
Trong hoạt động khoa học - công nghệ (KH&CN), truyền thông đóng một vai trò quan trọng, góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. 
Vai trò của truyền thông KH&CN đã được nhấn mạnh trong các văn bản, chỉ đạo điều hành và các diễn đàn KH&CN như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Điều 48 của Luật KH&CN năm 2013 sửa đổi đã quy định về hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN). Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến KH&CN là một trong sáu giải pháp chủ yếu.
Ngày 31/5/2017, Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 754/QĐ-TTg về ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Đề án nhấn mạnh công tác truyền thông phổ biến rộng rãi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh
Ban Biên tập
lên đầu trang