Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:04

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:04

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:36 ngày 07/11/2021

Chuyển đổi công nghệ để ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát triển bền vững

Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) được biết đến là ngành tiêu thụ nhiều tài nguyên khoáng sản, năng lượng và phát thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục, các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang được khuyến khích chuyển đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 160 doanh nghiệp (DN), cơ sở, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại sản phẩm VLXD như gạch xây nung, gạch xây không nung, gạch gốm ốp lát, bê tông thương phẩm, cấu kiện bê tông… và 55 DN sản xuất, khai thác khoáng sản làm VLXD. Những sản phẩm VLXD đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng trong tỉnh, một phần cung cấp cho các tỉnh lân cận và xuất khẩu. 
Dây chuyền sản xuất gạch hiện đại theo công nghệ lò tuynel di động, sử dụng robot của Công ty TNHH Gạch tuynel Tiên Hưng (Lục Nam).
Trong đó, sản phẩm chủ yếu là gạch đất sét nung với 56 nhà máy sản xuất bằng lò tuynel, tổng công suất thiết kế hơn 1,52 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm. Về vật liệu xây dựng không nung hiện có 21 cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế khoảng 680 triệu viên/năm. Ngoài ra có ba đơn vị sản xuất gạch ốp lát, tổng công suất thiết kế 13,5 triệu m2/năm.
Trên địa bàn tỉnh còn có 21 đơn vị cung cấp bê tông thương phẩm gồm 19 trạm trộn bê tông xi măng và ba trạm trộn bê tông nhựa, tổng công suất 1.980 nghìn m3/năm. Hai cơ sở sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 380 nghìn tấn xi măng/năm. Một số ngành nghề sản xuất VLXD khác như vôi, khai thác cát, sỏi…
Mặc dù đã có những thay đổi trong việc phát triển về số lượng và chất lượng nhưng ngành sản xuất VLXD của tỉnh vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục để mang lại hiệu quả KT-XH cao hơn, thể hiện rõ ý thức bảo vệ môi trường. Thực tế những năm qua cho thấy, hoạt động sản xuất VLXD còn nhiều tồn tại, bất cập, công nghệ lạc hậu, điển hình là các loại lò gạch thủ công, lò vòng mà tỉnh đã kiên quyết dẹp bỏ; sử dụng nhiều tài nguyên không tái tạo (than, đất sét, đá vôi…); mức tiêu hao năng lượng và nhiên liệu lớn; nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, hoạt động sản xuất không gắn với vùng nguyên liệu... 
Thực trạng đó đòi hỏi phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD của tỉnh theo hướng bền vững có công nghệ tiên tiến hiện đại. Tiến tới loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng tối đa phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt trong sản xuất VLXD; đồng thời đa dạng các sản phẩm VLXD, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và xuất khẩu.
Hiện nay, lò tuynel di động (lò đĩa) là công nghệ sản xuất gạch hiện đại với nhiều ưu điểm, tăng quy mô công suất (tối thiểu 60 triệu viên/năm, tối đa 120 triệu viên/năm) do lò nung được thiết kế theo nguyên lý di động trên đường ray, có quỹ đạo hình tròn. Đặc điểm của loại lò này là tự động hóa hoàn toàn, các thao tác được điều khiển từ xa, sử dụng robot vào một số khâu; kết cấu vỏ lò bằng thép, các vật liệu cách nhiệt hiệu quả nên tổn thất nhiệt ít, chi phí nhiên liệu giảm. Không sử dụng đất sét ruộng làm nguyên liệu mà dùng những loại đất đồi, đất bóc thải loại ở các mỏ, bìa than, than xít, xỉ lò nung, gạch ngói phế liệu, sản phẩm sau phá dỡ tường xây, ngói lợp…
Thấy được ưu điểm này nên Công ty TNHH Gạch tuynel Tiên Hưng (Lục Nam) đã mạnh dạn áp dụng. Ông Tăng Văn Quân, Giám đốc DN cho biết, trước đây đơn vị sử dụng công nghệ lò vòng, hiệu quả không cao. Cuối năm 2020, Công ty đầu tư hơn 80 tỷ đồng xây dựng lò tuynel di động, dây chuyền khép kín, công suất 30 triệu viên gạch/năm. Lò mới nâng sản lượng thêm 30%, tiết kiệm năng lượng, giảm đáng kể lượng khí thải. DN còn đầu tư hai robot xếp, gắp gạch, chỉ cần vài nhân công vận hành có thể thay thế 40 lao động, giảm chi phí, nâng chất lượng, tăng sức cạnh tranh về giá.
Đối với gạch không nung, trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ tạo hình rung- ép. Đại diện Công ty cổ phần Sông Cầu Hà Bắc (Việt Yên) cho hay, đơn vị dùng máy ép thủy lực để tạo hình viên gạch bằng cách sử dụng đồng thời lực ép và rung có tần số 4.500 vòng/phút để đầm, ép định hình viên gạch, tạo nên sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Công nghệ này giúp thời gian tạo hình ngắn, năng suất cao; sản xuất được nhiều loại sản phẩm gạch bê tông có kích cỡ, hình dạng và độ rỗng khác nhau bằng cách thay khuôn với thông số kỹ thuật tương ứng. Công ty là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất gạch không nung, sản phẩm đa dạng, chất lượng được khẳng định bằng việc công bố quy chuẩn hợp quy.
Dự báo trong những năm tới, nhu cầu VLXD trong tỉnh ngày càng tăng để đáp ứng với sự phát triển KT-XH, đô thị hóa, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cần ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất VLXD mới, công suất lớn, sử dụng lượng lớn chất thải từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt. Không thực hiện các dự án ở những vùng ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê điều, di sản văn hóa, phát triển du lịch… hoặc công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. 
Khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến với mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, tối ưu hóa quá trình sản xuất. Tạo điều kiện để các DN sản xuất VLXD đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Các dự án sản xuất VLXD phải được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.
Theo moc.gov.vn
lên đầu trang