Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 14:18

Thứ tư, 24/04/2024 | 14:18

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:53 ngày 23/11/2021

Công nghệ đóng gói “xanh” giúp nâng cao giá trị trái dừa Bến Tre

Thông qua Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói tetra-pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới - Bến Tre phối hợp với Viện Ứng dụng công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm chủ được công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến nước dừa giải khát từ nước dừa già có chất lượng nước dừa đạt 95% chất lượng so với nước dừa tự nhiên.
Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tính đến tháng 9 năm 2020, tổng diện tích dừa toàn tỉnh đạt 72.764 ha, chiếm 71,85% trong tổng diện tích cây lâu năm và tăng 0,47% so cùng kỳ năm trước. Những năm gần đây diện tích dừa uống nước (dừa xiêm xanh) liên tục tăng do hiệu quả kinh tế cao vì giá bán tương đối ổn định.
Nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho trái dừa, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề môi trường trong quá trình chế biến dừa, năm 2017, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới - Bến Tre phối hợp với Viện Ứng dụng công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bắt đầu nghiên cứu công nghệ chế biến và đóng gói tetra-pak cho sản phẩm nước dừa. Đến nay, đơn vị này đã làm chủ được dây chuyền, công nghệ chế biến và đóng gói tetra pak - một trong những dây chuyền sản xuất và đóng gói thực phẩm dạng lỏng hàng đầu thế giới. Nhờ ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT trực tiếp vào dây chuyền sản xuất mà sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ này giữ trọn dưỡng chất, hương vị tự nhiên, đồng thời bảo quản được lâu mà hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới - Bến Tre (Ảnh: https://baodongkhoi.vn/)
TS. Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KH&CN, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, dây chuyền thiết bị, công nghệ cho sơ chế, bảo quản và chế biến nước dừa giải khát từ nước dừa già có công suất 4.000 lít/h (500mL/hộp, 1.000mL/hộp) sử dụng công nghệ UHT tiên tiến nhất hiện nay. Sản phẩm nước dừa từ dây chuyền được đóng gói trong bao bì hộp giấy theo quy cách gồm 03 loại gồm 300ml, 500ml và 1.000ml đạt chuẩn Quốc tế và được cấp chứng nhận US FDA và BRC Food, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Cũng theo TS. Nguyễn Phương, việc ứng dụng công nghệ UHT đã giúp tạo ra sản phẩm nước dừa có hương vị gần giống nước dừa tự nhiên đến 95%, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm nước dừa giải khát chất lượng cao. Nhờ vậy mà sản phẩm này đã được bình chọn trong TOP 40 sản phẩm chất lượng Vàng thương hiệu Quốc gia 2019-2020.
Đáng chú ý, dây chuyền sản xuất chế biến và đóng gói tetra-pak cho sản phẩm nước dừa của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đến nay đã cho tiêu thụ 75 triệu trái dừa/năm, chiếm 13% tổng sản lượng dừa của toàn tỉnh Bến Tre, góp phần tăng doanh thu hằng năm của doanh nghiệp từ 132 tỷ năm 2013 lên 838 tỷ năm 2016 và đạt 1.200 tỷ năm 2019. Doanh thu xuất khẩu nước dừa của công ty cũng đạt khoảng 40 triệu USD/năm.
Sản phẩm nước dừa do Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới sản xuất trên dây chuyền thiết bị của dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói tetra-pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”
Không chỉ gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, việc làm chủ công nghệ chế biến và đóng gói cho sản phẩm nước dừa của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Qưới còn làm tăng giá trị gia tăng của nước dừa lên khoảng 10 lần so với việc làm thạch dừa truyền thống, giảm thiểu được hầu hết phụ phẩm từ quá trình chế biến dầu dừa là nước dừa già, từ đó giúp giảm ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, giá trị trái dừa cũng được tăng lên 2,5 lần, giúp ổn định đời sống cho 70% người dân Bến Tre sống bằng nghề trồng dừa và giải quyết cho hơn 1.000 lao động giản đơn tại nông thôn, 200 lao động có trình độ và tay nghề từ trung cấp trở lên, góp phần ổn định sinh thái bền vững nông thôn, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Đặc biệt, công nghệ chế biến và đóng gói tetra-pak còn được đánh giá là công nghệ thân thiện môi trường do vừa đáp ứng hiệu suất sản xuất, sử dụng hiệu quả nguyên liệu lại vừa giảm thiểu các ảnh hưởng đến môi trường.
Thực tế hiện nay cho thấy, người tiêu dùng đang có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm tự nhiên với vật liệu bao gói có khả năng tái chế, thân thiện với môi trường. Với bao bì hộp giấy, sản phẩm nước dừa do Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới sản xuất trên dây chuyền công nghệ chế biến và đóng gói tetra-pak có thể đáp ứng tốt xu hướng thị trường, thậm chí hứa hẹn sẽ có vị thế cao trên thị trường trong và ngoài nước. Thành công của dự án còn cho thấy hiệu quả hoạt động của mô hình liên kết 4 “Nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà Nông trong đổi mới công nghệ hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm từ dừa, giảm thiểu xuất khẩu dạng thô các chế phẩm từ dừa, mang lại hiệu quả cao và góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội cho đất nước.
Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long” có tổng kinh phí hơn 109 tỷ đồng; trong đó nguồn kinh phí được tài trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia hơn 19 tỷ đồng. Năm 2020, dự án đã đạt Giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam. 
Hà Nguyễn
lên đầu trang