Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:40

Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:40

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 29/11/2021

Hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương "Ươm nỗ lực, gặt thành công" (Phần 2)

8 công trình/cụm công trình của Bộ Công Thương được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật (khai thác dầu khí, cơ khí, công trình, lọc hóa dầu, thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở ngoài khơi), Khoa học kỹ thuật/Cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, môi trường. 
(Tiếp theo Phần 1)
CÁC CÔNG TRÌNH/CỤM CÔNG TRÌNH NGÀNH CÔNG THƯƠNG ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH
1. Cụm công trình: Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam
Dự án Biển Đông 01 (Dự án) là dự án phát triển các mỏ khí – condensate tại các Lô 05-2 và 05-3 thuộc bể Nam Côn Sơn trên thềm lục địa Việt Nam. Có thể nói, Dự án trọng điểm quốc gia này là dự án đặc biệt phức tạp nhất từ trước đến nay của ngành Dầu khí về mọi mặt, từ tiến độ, công nghệ cho đến quy mô. Do đó, việc vận hành dự án Biển Đông 01 một cách an toàn, liên tục, hiệu quả và đạt cường độ khai thác cao cho đến ngày hôm nay là thành tựu hết sức to lớn, đánh dấu một “mốc son” rực rỡ trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Để đưa Dự án đến thành công ngày hôm nay, các giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ thuộc cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” (Cụm công trình) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là phần cốt lõi cấu thành không thể thiếu.
Cụm công trình bao gồm các giải pháp mới có giá trị cao về khoa học và công nghệ, được đánh giá là đặc biệt xuất sắc, lần đầu tiên trong khu vực và trên thế giới. Theo TS. Ngô Hữu Hải – Tổng Giám đốc BIENDONG POC – một trong các tác giả của Cụm công trình, tổng thể các giải pháp trong Cụm công trình nghiên cứu này có thể chia làm 4 tổ hợp, tương ứng 4 giai đoạn của Dự án.
Tổ hợp đầu tiên là nghiên cứu, phát triển các giải pháp để lựa chọn vị trí giếng khoan sao cho phù hợp với điều kiện địa chất phức tạp của vùng mỏ, tăng tỷ lệ thành công trong khoan thăm dò, thẩm lượng và khai thác.
Tiếp đến là nghiên cứu, phát triển công nghệ khoan và hoàn thiện giếng khoan nhằm đảm bảo an toàn trong khi thi công khoan và giảm chi phí khoan. Xây dựng và hoàn thiện các giải pháp thiết kế kỹ thuật của giếng khoan trong vùng áp suất cao và nhiệt độ cao, xây dựng quy trình thi công chuẩn và rất nhiều quy trình, quy chuẩn khác để bảo đảm các giếng khoan sẽ được thi công một cách an toàn, hiệu quả nhất.
Cụm giàn khai thác mỏ Hải Thạch, HT-PQP và HT-WHP.
Giai đoạn tiếp theo là nghiên cứu, lựa chọn tối ưu các giải pháp thiết kế, xây dựng mỏ, khẳng định phương án phát triển “giàn khoan Semi TAD 15K + đầu giếng khai thác bề mặt + tàu chứa FSO (*)” là lời giải đúng cho bài toán phát triển mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh.
Cuối cùng là nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện hệ thống quản lý vận hành/bảo dưỡng thiết bị khai thác.
Các giải pháp khoa học – công nghệ được nghiên cứu, phát triển và áp dụng thành công đã tiết kiệm chi phí và hiệu quả mang lại hơn 602,3 triệu đô la Mỹ, trong đó tính riêng các giải pháp xây dựng mỏ là 467,9 triệu đô la Mỹ; nghiên cứu, phát triển và áp dụng công nghệ khoan và hoàn thiện giếng ở điều kiện đặc biệt phức tạp đã mang lại hiệu quả hơn 77,73 triệu đô la Mỹ, nhóm giải pháp sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong khâu tổ chức vận hành khai thác đã mang lại hiệu quả hơn 56,4 triệu đô la Mỹ. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần hiệu quả mang lại có thể tính toán được, những phần không thể tính toán được bao gồm các giải pháp sáng tạo nhằm giảm thiểu rủi ro nói chung để đảm bảo dự án phát triển thành công, các giải pháp về phát huy nội lực – tự chủ công nghệ, các giải pháp về khoa học quản lý để đưa dự án về đích đúng tiến độ, chất lượng thì không thể tính toán hiệu quả kinh tế được” – TS. Ngô Hữu Hải cho biết.
Có thể nói, cụm công trình đã tạo ra hệ thống các giải pháp có giá trị rất cao về cả khoa học và công nghệ, không chỉ áp dụng cho Dự án Biển Đông 01 mà còn đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí, nhằm phát triển các dự án khai thác nước sâu xa bờ khác về sau này.
2. Cụm công trình: Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý Loginter 2.0
Cụm công trình do Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan (Xía nghiệp) thuộc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro thực hiện đã đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp phát triển của ngành khoa học và công nghệ địa vật lý của Việt Nam. Cụm công trình không chỉ giúp Xí nghiệp chủ động về công nghệ, đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe của chuyên ngành địa vật lý giếng khoan mà còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian. 
Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang – một trong các tác giả của cụm công trình “Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý Loginter 2.0”
Đúng như tên gọi, Cụm công trình này bao gồm hai phiên bản mới nhất đó là Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và Bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý LOGINTER 2.0. Trong đó, thiết bị trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 được phát triển tiếp nối từ những công trình trong quá khứ gồm: Hệ thống thiết bị ghi số giai đoạn 1992 – 2002, Hệ thống các trạm ALS giai đoạn 1996-2008, Hệ thống các trạm ALSMINI giai đoạn 2008-2012, Hệ thống thiết bị đo carota độ lệch và phương vị liên tục giai đoạn từ 2010-2016. Giai đoạn hiện tại, trạm carota tổng hợp xách tay có thể làm việc độc lập như một trạm Wireline Logging đầy đủ. Đáng chú ý, trạm đo carota tổng hợp có giá thành chỉ 5.000 USD, bằng chưa đầy 10% so với giá thiết bị tương tự nếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thiết bị chỉ nặng chưa đến 10 kg, nhỏ gọn như một máy tính cá nhân. Và đây cũng chính là thiết bị nhỏ gọn và có nhiều tính năng ưu việt nhất trên thế giới hiện nay khi so sánh với cả các sản phẩm của các nhà chế tạo thiết bị dầu khí hàng đầu thế giới như Haliburton (Mỹ), Huangding (Trung Quốc)…
Trong khi đó, Bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý LOGINTER 2.0 (LOGINTER 2.0) được phát triển tiếp nối từ những công trình trong quá khứ gồm: Phần mềm Fullwave giai đoạn 1997 – 2006, Phần mềm 3D-View giai đoạn 2000-2010, Phần mềm Basrock 3.0 giai đoạn 2002 – 2012, Phần mềm Basrock 3.0 giai đoạn 2002 – 2012. Giai đoạn hiện nay, LOGINTER 2.0 bao gồm 6 quy trình, trong đó có 4 quy trình đã hoàn thiện, bao gồm: Quy trình xử lý minh giải tài liệu khảo sát trạng thái kỹ thuật ống chống/cần khai thác; Quy trình xử lý minh giải tài liệu địa vật lý giếng khoan trong lát cắt đá móng INTER; Quy trình xử lý minh giải tài liệu sóng siêu âm và Quy trình xác định quỹ đạo giếng khoan theo tài liệu độ lệch.
Như vậy, LOGINTER 2.0 đã tích hợp nhiều công đoạn riêng rẽ vào trong một bộ quy trình chung. Qua đó, phát huy được ưu điểm của quy trình nước ngoài và quy trình tự tạo. Đồng thời, bổ sung nhiều chức năng mới linh hoạt, phù hợp với nhu cầu công việc thực tế và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất, giúp Xí nghiệp có thể tự chủ trong quá trình xử lý minh giải số liệu.
Trạm carota xách tay và trạm Karat (Bé, trên cùng)
Theo tính toán của nhóm tác giả, Cụm công trình mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Việc thiết kế chế tạo thành công và đưa vào sử dụng hệ thống các thiết bị thuộc Cụm công trình giúp Xí nghiệp tiết kiệm được 117.425 triệu USD, tương đương 2.636 tỷ đồng tiền mua sắm thiết bị.
Cụm công trình do nhóm tác giả Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực chế tạo thiết bị địa vật lý, thiết bị điện tử chuyên ngành dầu khí. Đồng thời, góp phần tăng năng lực tự chủ và khả năng cạnh tranh của đơn vị cũng như ngành dầu khí Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Với hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn, Cụm công trình còn cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ trong lĩnh vực công nghệ cao, thể hiện sự đóng góp thầm lặng bền bỉ và chất lượng của đội ngũ lao động kỹ thuật cao trong ngành dầu khí, đang từng bước giúp cho đơn vị, cho ngành dầu khí Việt Nam sánh vai với các nước về khoa học và công nghệ dầu khí trên thế giới.
3. Cụm công trình: Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam
Cụm công trình này do nhóm tác giả của Công ty CP Dịch vụ cơ khí hàng hải - PTSC M&C (thuộc Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam - PTSC) thực hiện. Các giải pháp khoa học và công nghệ của Cụm công trình đã góp phần quan trọng vào sự thành công của Dự án Biển đông 01 - tổ hợp công trình có khối lượng lớn nhất từng được thi công và hoàn thiện trong nước.
Theo đó, Cụm công trình bao gồm 6 nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng, đó là: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cọc đá và lưới địa kỹ thuật Tensar để gia cố nâng cấp nền bãi từ sức chịu tải 4 tấn/m2 lên tới sức chịu tải 50 tấn/m2; Nghiên cứu công nghệ hạ thủy và thiết kế đường trượt cho các công trình siêu trường siêu trọng; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ jack-up thi công tổ hợp các kết cấu siêu trường siêu trọng; Nghiên cứu công nghệ thi công, hạ thủy và lắp đặt kiểu float-over các công trình siêu trường siêu trọng phục vụ thiết kế tối ưu dầm hạ thủy phù hợp với điều kiện Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ quay lật panel chân đế khối lượng lớn có trọng tâm ngoài mặt phẳng bằng phương pháp sử dụng hệ thống neo xiên; Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu thiết kế giàn công nghệ trung tâm và thượng tầng tàu FPSO.
Một góc cụm giàn HT-PQP
Tính đến năm 2020, Cụm công trình đã nâng cấp được ~4.0ha diện tích bãi thi công từ sức chịu tải 4 tấn/m2 lên tới sức chịu sức chịu tải 50 tấn/m2 bằng công nghệ cọc đá và Tensar; đồng thời xây dựng được 2 cụm đường trượt SW01 và SW02 phục vụ thi công các công trình giàn công nghệ trung tâm (CPP) và các công trình dầu khí siêu trường siêu trọng khác. Ngoài ra, đã làm chủ năng lực thiết kế, thi công và quản lý các công nghệ thi công cốt lõi cho các công trình giàn CPP và các công trình dầu khí siêu trường siêu trọng khác như: Quy hoạch bãi thi công; Thiết kế và thi công xây dựng đường trượt, nâng cấp nền bãi; (3) Thi công chế tạo chân đế và các module thượng tầng (bao gồm nâng giàn bằng phương pháp jack-up); (4) Hạ thủy bằng phương pháp kéo trượt;...
ThS. Bùi Hoàng Điệp – Phó giám đốc PTSC M&C cho biết, tính riêng cho các hạng mục gồm nâng cấp nền bãi, đường trượt và cầu cảng hạ thủy các công trình biển siêu, Cụm công trình đã giúp làm lợi hơn 3.000 tỉ đồng trong 10 năm (2010 – 2020) cho PTSC M&C. Ngoài ra, việc thực hiện các giải pháp thuộc Cụm công trình còn giúp tạo ra nguồn công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định kinh tế, an ninh xã hội trên địa bàn Thành phố Vũng Tàu, góp phần tích cực bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.
Với việc thực hiện thành công Cụm công trình “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam”, PTSC M&C đã trở thành một trong số ít các nhà thầu trong khu vực có đủ năng lực EPCI cho các dự án giàn công nghệ trung tâm CPP và các công trình dầu khí siêu trường siêu trọng. Đồng thời, tạo được niềm tin cho đội ngũ cán bộ công nhân viên và người lao động trong Công ty, tạo được niềm tin trong xã hội về năng lực của các nhà thầu Việt Nam và đội ngũ kỹ sư người Việt Nam, nâng cao uy tín của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công Thương, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngành Công Thương đã và đang được triển khai trong hầu khắp các lĩnh vực, đem lại những kết quả hết sức tích cực. Những thành tựu này, trong đó phải kể đến 8 cụm công trình được đề nghị xét tăng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt 6, chính là sự khẳng định về tầm quan trọng của việc áp dụng cách tiếp cận khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp trong thực hiện phát triển bền vững ngành Công Thương.
Để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu trong tình hình mới, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn tới, hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính:
Một là, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Hai là, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành, bao gồm: chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại; cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa; khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu; công nghiệp năng lượng; công nghiệp nhẹ; công nghệ sinh học và công nghiệp môi trường.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê khoa học và công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và sở hữu trí tuệ.
Bốn là, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý và thông tin khoa học và công nghệ.
Năm là, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tập trung rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương; tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả của đội ngũ chuyên gia tư vấn và cán bộ quản lý các cấp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội các doanh nghiệp về hoạt động khoa học và công nghệ.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ đơn vị và lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành tực rực rỡ hơn nữa, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực của ngành, đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đúng như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra.
Với thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Nhất tại Quyết định số 1295/QĐ-CTN ngày 21 tháng 7 năm 2021.
Hà Nguyễn
lên đầu trang