Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:21

Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:21

Chính sách

Cập nhật lúc 09:02 ngày 01/12/2021

Đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế Thủ đô

Kế hoạch “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025” được UBND TP. Hà Nội ban hành mới đây nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế Thủ đô.
Hoàn thiện các chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo
Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; nhất là cơ chế quản lý, chính sách tài chính; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, đảm bảo tính khả thi để đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Hoàn thiện chính sách vượt trội nhằm thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế. Hoàn thành xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Tạo điều kiện tối đa cho các start-up Hà Nội phát triển
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố. Tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia trên địa bàn trong việc tháo gỡ, giải quyết các thách thức của Thành phố.
Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp trích lập và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, là vùng lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô. Tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phấn đấu mỗi trường đại học, viện nghiên cứu là một chủ thể nghiên cứu mạnh.
Hình thành và liên kết mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả tư nhân). Xây dựng một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhân lực trong các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ; phát triển nhân lực quản lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các cấp.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận với thông tin công nghệ trong nước và quốc tế, bao gồm thông tin về sáng chế, thông tin công nghệ, thông tin về tổ chức trung gian, các xu hướng thị trường...
Khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong nhập khẩu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ nguồn và chia sẻ, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp...
UBND TP. Hà Nội cũng sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng xúc tiến, trao đổi, kết nối với các đối tác quốc tế đến từ các quốc gia phát triển có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài. Thúc đẩy việc ký kết, triển khai các dự án, chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để góp phần huy động nguồn lực, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ mới.
Động lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Việc không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giúp cộng đồng start-up vẫn có nhiều điểm sáng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong những tháng đầu năm 2021, với việc hạn chế tụ tập và hoạt động trực tiếp, giãn cách xã hội, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của mình qua các kênh online, hoạt động, sự kiện trực tuyến. Bên cạnh đó, họ duy trì nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm tại các vườn ươm hay cơ sở start-up của mình.

Đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế Thủ đô
Đặc biệt, nhiều start-up lớn vẫn có sự liên kết hỗ trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, đằng sau những con số thống kê doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động giải thể, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng trên cơ sở khó khăn, thách thức mà đại dịch mang lại.
Các start-up cũng đã có những nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ theo hướng tận dụng thành tựu công nghệ hiện nay để có thể tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới có thể cung cấp cho người tiêu dùng trong điều kiện hạn chế tiếp xúc, giãn cách do đại dịch. Để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã quan tâm đến việc thúc đẩy chuyển đổi số và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Các doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
Đơn cử, tính đến hết tháng 9/2021, Viettel đã có 44 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam và 7 bằng sáng chế được cấp tại Hoa Kỳ. Theo danh sách của Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Viettel là doanh nghiệp Công nghiệp - Công nghệ cao của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhiều nhất.
Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố quốc tế, cùng với đó chú trọng thúc đẩy công tác sở hữu trí tuệ, đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Trong ba đến bốn năm liên tiếp gần đây, mỗi năm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có khoảng 40-50 sáng chế và giải pháp hữu ích được bảo hộ.
Trường đại học Bách khoa Hà Nội trong chiến lược phát triển luôn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vừa qua, trường đã cho ra đời những sản phẩm nghiên cứu sáng tạo để phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19, như: Máy thở hỗ trợ điều trị BK-Vent, bộ kit thử nhanh virus Corona RT-Lamp và buồng áp lực dương lọc virus trên chuyến bay đến Guinea Xích đạo.
Công ty Clarivate là công ty dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp thông tin chi tiết và phân tích tin cậy về uy tín chất lượng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, trong đó có danh mục các bài báo nghiên cứu khoa học (ISI), qua đó, tạo cơ sở để khám phá, bảo vệ thương mại hóa các ý tưởng mới nhanh hơn… Đây là những điển hình về đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang