Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 18:55

Thứ năm, 28/03/2024 | 18:55

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 10:05 ngày 29/12/2021

TP Hồ Chí Minh quyết liệt thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, Ban Chỉ đạo đã ban hành 191 văn bản triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, chỉ đạo thực hiện các hoạt động trọng tâm trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
2.365 cơ sở vi phạm ATTP
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19 nhưng các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố vẫn được Ban Quản lý ATTP TP HCM -cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TP HCM tiến hành chủ động và tổ chức thực hiện một cách tích cực, đạt được những kết quả nhất định.
Theo thống kê từ Ban Quản lý, trung bình mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con heo có xuất xứ từ các tỉnh đưa về. Tại thành phố, hiện đang có 3.917 hộ chăn nuôi heo, do đó khả năng lây nhiễm các loại dịch bệnh như: tả heo châu Phi, sán heo, lở mồm long móng trên gia súc, cúm gia cầm... là rất cao. Chính vì vậy, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã tích cực triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm nhằm đảm bảo sự an toàn của nguồn thịt được tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có kế hoạch tiếp tục triển khai Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” năm 2021. Tính đến nay, Ban Quản lý Đề án đã cấp 579 giấy chứng nhận cho 397 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi.
Trong năm 2021, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã phát hiện 2.365 trường hợp vi phạm ATTP trên địa bàn thành phố. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)
Đặc biệt, trong năm 2021, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã ký kết phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh 15 tỉnh (Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bình Thuận, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu) về phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021 – 2025.
Đối với công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, năm 2021, Ban quản lý đã cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 2.816 cơ sở, đồng thời cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho 203 hồ sơ, tiếp nhận và xử lý 583 bản cam kết lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã thanh tra, kiểm tra 20.479 cơ sở, trường hợp; phát hiện vi phạm 2.365 trường hợp, tịch thu/tiêu hủy 127.130 kg và 9.882 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng/không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, thực hiện hậu kiểm tại chỗ 74.004 hồ sơ tự công bố sản phẩm, trong đó có 31.330 hồ sơ đạt (tỷ lệ: 42, 34%), 42.674 hồ sơ không đạt (tỷ lệ: 57,66%).
Đối với công tác giám sát cơ sở cung cấp suất ăn trung tâm cách ly tập trung, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã tiến hành kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo ATTP của 12 cơ sở cung cấp suất ăn trên địa bàn thành phố phục vụ Trung tâm cách ly tập trung. Kết quả, các cơ sở chế biến suất ăn sẵn phục vụ Trung tâm cách ly tập đều chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình hoạt động.
Trong khi đó, hoạt động truyền thông về ATTP cũng được đẩy mạnh. Chiến dịch truyền thông về ATTP được Ban Quản lý ATTP TP HCM tập trung vào 4 đối tượng chính là người nội trợ; người tiêu dùng thực phẩm; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, các nhà quản lý. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP HCM cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thông tin kịp thời, đầy đủ các thông tin với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề về ATTP; đồng thời xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP HCM định hướng xây dựng Kế hoạch đảm bảo ATTP trong tình hình mới kết hợp phòng chống, kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh, chuẩn bị phương án triển khai kế hoạch trong tình huống khẩn cấp phù hợp với tiêu chí của Thành phố: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19”.
Theo đó, tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục duy trì xây dựng và triển khai các đề án, dự án đảm bảo an toàn thực phẩm như: đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”, mô hình “Chợ truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm”, chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm mới có hiệu lực đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó chú trọng địa bàn vùng ven.  Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý ATTP các cấp.
Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao gây mất an toàn, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo an toàn thực phẩm kịp thời đối với người tiêu dùng.
Bích Phương
lên đầu trang