Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:04

Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:04

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:03 ngày 20/12/2021

Phát triển ngành công nghiệp hoá chất theo mô hình của kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn không chỉ là chiến lược quan trọng đối với toàn cầu, đối với mỗi quốc gia mà còn đối với từng doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp hóa chất phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng chính là góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc gia.
Vai trò của ngành hóa chất trong phát triển kinh tế tuần hoàn
Công nghiệp hóa chất đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ 5 toàn cầu. Theo báo cáo “Ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu: Thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức về tính bền vững của thế giới” của Hiệp hội Hóa chất quốc tế, ngành này đóng góp ước tính 5.700 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới thông qua các tác động trực tiếp, gián tiếp tương đương với 7% GDP của thế giới và hỗ trợ 120 triệu việc làm trên toàn thế giới.
Tuy nhiên đây cũng là ngành đặt ra nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc quản lý hóa chất không chặt chẽ trong năm 2016 đã dẫn đến ít nhất 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Do đó, kinh tế tuần hoàn không chỉ là chiến lược quan trọng đối với toàn cầu, đối với từng quốc gia mà còn đối với từng doanh nghiệp; và chính vì vậy các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp hóa chất phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng chính là đã góp phần cho cả nền kinh tế của quốc gia phát triển theo xu thế kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu tại hội thảo “Kinh tế tuần hoàn và vai trò của hóa học và công nghiệp hóa chất” do Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) với Hội Hóa học Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức ngày 16/12, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngành công nghiệp hóa chất có nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và rủi ro môi trường, nhưng trên thực tế ngành hóa chất đã tạo ra các giải pháp công nghệ, các công cụ và vật liệu để giải quyết ô nhiễm cho chính mình và những nguồn ô nhiễm khác; và khi thực hiện kinh tế tuần hoàn thì vai trò của khoa học hóa học và ngành công nghiệp hóa chất là không thể phủ nhận. “Do vậy, thúc đẩy quản lý hóa chất; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất bền vững là hết sức cần thiết để tối đa hóa các lợi ích, đóng góp vào mục tiêu chung”- ông Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam cho rằng, hóa học và công nghiệp hóa chất chính là công cụ không thể thiếu để thực thi một nền kinh tế tuần hoàn. Hóa học và công nghiệp hóa chất đã và sẽ là ngành giao thoa của các yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo, tăng khả năng khai thác, phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tái tạo (kể cả chất thải) để đồng thời giải quyết những xung đột về phát triển và môi trường và xã hội trong những xu thế hiện đại và văn minh hóa ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam thông tin thêm, khác với cách tiếp cận của nền kinh tế tái chế, trong kinh tế tuần hoàn mục tiêu hiệu suất và giá trị gia tăng sẽ được xem xét và lồng ghép trong tất cả các giai đoạn của vòng đời sản phẩm, từ khâu thiết kế sản phẩm, chuẩn bị nguyên liệu, đến khâu sản xuất ra sản phẩm, khâu sử dụng sản phẩm, quản lý sản phẩm sau sử dụng và chất thải… “Với tiêu chí chung là tăng tối đa hiệu suất và giá trị, giảm tối đa tác động từ chất thải vào môi trường ở từng công đoạn của vòng đời. Để đạt được mục tiêu này, ngoài những công cụ pháp lý và tài chính thì vai trò của công nghệ là vô cùng quan trọng”- ông Lê Quốc Khánh chỉ ra.
Còn theo ông Patrick Haverman- Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng để giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực hóa học và công nghiệp hóa chất, cần phải tiến hành đánh giá tổng thể 10 phân ngành của lĩnh vực hóa chất và qua đó xây dựng kế hoạch áp dụng kinh tế tuần hoàn, với ưu tiên từ các hoạt động thiết thực, dễ thực hiện, dễ tạo sự thay đổi. “Bằng cách áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững và kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị theo 4 khía cạnh chính: Tạo doanh thu, nâng cao thương hiệu, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro”, ông Haverman nhấn mạnh.
Đề xuất đầu tư xây dựng các tổ hợp công nghiệp hóa chất
Nhìn nhận về kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho rằng, kinh tế tuần hoàn là một xu hướng tất yếu đối với sự phát triển chung của tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, xã hội; đặc biệt là lĩnh vực chế biến, chế tạo. Thực tế, có rất nhiều nước đang theo đuổi và đã luật hóa các quy định liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Đáng chú ý, ngành công nghiệp hóa chất là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (quặng apatit, than đá, dầu mỏ…), đồng thời cũng là ngành phát sinh ra nhiều chất thải nguy hại. Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất hiện nay chưa được sử dụng hiệu quả hoặc chưa được xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo
Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 mà Bộ đang trình Chính phủ cũng ưu tiên, khuyến khích đầu tư xây dựng các Tổ hợp công nghiệp hóa chất, các khu công nghiệp hóa chất chuyên sâu với nhiều doanh nghiệp hóa chất có liên quan để tạo thành chuỗi liên kết, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. “Đây là một trong những giải pháp đột phá trong chiến lược. Từ trước đến nay, hóa chất vẫn bị một số địa phương e dè, ngại cấp phép cho các dự án hóa chất đơn lẻ”- ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Theo đó, mục tiêu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 nêu cụ thể, phát triển ngành công nghiệp hoá chất theo mô hình của “Kinh tế tuần hoàn” cơ cấu sản phẩm phù hợp, hoàn chỉnh từ sản xuất nguyên liệu đến sản phẩm; phát triển các tổ hợp hoá chất tập trung, trung tâm logistics về hoá chất nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong toàn ngành trên cơ sở lựa chọn vị trí địa - kinh tế, chính trị thuận lợi, có lợi thế về nguồn nguyên liệu; phát huy năng lực của mọi thành phần kinh tế, chú trọng đến năng lực của các nhà đầu tư trong nước mà đặc biệt là những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có năng lực.
Lãnh đạo Cục Hóa chất thông tin thêm, nếu được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng khung khổ pháp luật, đồng thời xúc tiến tìm kiếm nguồn đầu tư. Bước đầu đã có 5 địa phương là Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Ninh Thuận và Bình Thuận rất ủng hộ, đưa vào quy hoạch sử dụng đất để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. “Nhưng chiến lược tốt vẫn chưa đủ, mà còn phải có doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt. Rất mừng là đã có nhiều nhà đầu tư tư nhân đã bày tỏ quan tâm”- ông Thanh cho biết.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang