Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 03:09

Thứ sáu, 19/04/2024 | 03:09

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:05 ngày 29/12/2021

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo

Công nghiệp chế biến, chế tạo có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%. Trước đó, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/3/2018 cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 30%. Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đạt được mục tiêu về đóng góp trong GDP, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Công Thương, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông bắc và cả nước. Trong 63 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đào tạo hơn 80 ngàn lao động có trình độ chuyên môn cao, chất lượng tốt trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.
Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Hùng Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Nhà trường trong thời gian qua.
 TS. Hoàng Hùng Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh 
Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi.
Xin ông cho biết, công tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang được triển khai thực hiện như thế nào tại Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh?
TS. Hoàng Hùng Thắng: Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” và xác định đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong ba trụ cột chính của ngành công nghiệp, là động lực cho phát triển kinh tế. Là một trường đại học kỹ thuật đầu tiên đóng trên địa bàn tỉnh, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh luôn bám sát mục tiêu phát triển của tỉnh và nhận thấy vai trò then chốt của việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cụ thể, Nhà trường định hướng phát triển theo mô hình Đại học ứng dụng đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tỉnh và khu vực phía Đông Bắc tổ quốc. Đồng thời, mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề đang thiếu như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ...; tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp, động viên mọi thành phần kinh tế tham gia. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chú trọng đào tạo kỹ năng, tay nghề của người học cũng như kết hợp hài hòa giữa đào tạo, đào tạo lại với thu hút nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô, chất lượng dân số trong khu vực.
100% sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh ra trường có việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo trong 3 năm gần đây.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp do cán bộ giảng viên Nhà trường thực hiện ngày càng tăng, chất lượng các đề tài đều có tính ứng dụng cao và được xác nhận của doanh nghiệp phối hợp. Cụ thể, tính từ năm 2015 đến nay, cán bộ, giảng viên trường đã thực hiện 89 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp cùng hơn 100 hợp đồng tư vấn chuyển giao doanh nghiệp. Riêng năm 2021, Nhà trường còn được UBND tỉnh Quảng Ninh giao chủ trì nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh “Sử dụng đá thải mỏ phát sinh trong quá trình khai thác mỏ than để sản xuất gạch không nung” nhằm tái sử dụng nguồn nguyên liệu đá thải để làm vật liệu xây dựng, trong đó có sản xuất gạch không nung.
Cùng với đó, Nhà trường còn mở rộng mối quan hệ, hợp tác với các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh, từ đó đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong tỉnh và khu vực. Cụ thể, Nhà trường đã hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ với trên 40 cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, tổ chức khoa học trong nước và quốc tế. Nhiều cán bộ của trường là thành viên, cộng tác viên của các hội đồng khoa học hoặc tổ chức khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế (Đức, Italia, Nhật Bản, Pháp, Ba Lan, Nga, Canada, Hoa Kỳ,...); được mời làm chuyên gia giáo dục và giảng dạy tại nhiều trường đại học. Trong những năm gần đây, Nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, nhằm nâng cao tính ứng dụng của các chương trình đào tạo, đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Quảng Ninh và khu vực phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Nhà trường gặp phải những khó khăn và thuận lợi nào, thưa ông?
TS. Hoàng Hùng Thắng: Trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Công Thương; UBND tỉnh Quảng Ninh. Đây có thể nói là một thuận lợi vô cùng lớn đối với Nhà trường. Bên cạnh đó, Nhà trường còn quy tụ được đội ngũ nhân lực dày dặn kinh nghiệm gồm 228 giảng viên, trong đó 99% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên (28 giảng viên có trình độ tiến sĩ, gần 30 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước). Đây là đội ngũ lao động có trình độ và chất lượng cao phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Một thuận lợi nữa của Nhà trường đó là hệ thống cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu đào tạo đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm hệ thống phòng học, giảng đường đạt tiêu chuẩn đã và đang được xây dựng; hệ thống phòng thí nghiệm (Trung tâm Điện - Tự động hóa; Xưởng thực hành Cơ khí - Ô tô; Phòng thực hành IOT, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học...), hệ thống thư viện. Các hệ thống này đang được hoàn chỉnh, hiện đại hoá để phục vụ nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên và người học tại Trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi kể trên, quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Một trong số đó là quy mô tuyển sinh sinh trong những năm gần đây giảm sút nên một số ngành nghề truyền thống của Nhà trường như các ngành thuộc lĩnh vực khai thác mỏ đã không còn được thu hút như trước đây. Cùng với đó là người học có xu hướng theo khối các ngành kinh tế trong những năm gần đây nên việc tuyển sinh đối với các ngành kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn.
Hơn nữa, Nhà trường lại nằm tại khu vực tỉnh, xa thủ đô Hà Nội nên việc thu hút người học cũng chịu ảnh hưởng đáng kể do phần lớn người học có xu hướng lựa chọn các trường khu vực Hà Nội. Ngoài ra, mặc dù Nhà trường đã quan tâm đầu tư các trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học nhưng với nguồn kinh phí hạn chế nên Nhà trường rất khó để đầu tư đồng bộ và bài bản cho các phòng thí nghiệm thực hành.
Ông có thể chia sẻ một chút về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay và đúng chuyên môn, nhất là sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như Khai thác mỏ, Công nghệ kỹ thuật mỏ hầm lò, Tự động hóa thiết kế công nghệ cơ khí,… của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh? Chất lượng sinh viên của Nhà trường cũng được doanh nghiệp đánh giá như thế nào, thưa ông?
TS. Hoàng Hùng Thắng: Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp của Nhà trường luôn đạt trên 90%, đặc biệt năm 2020 đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo năm sau cao hơn năm trước, dao động trong khoảng từ 60%-80% cho tất cả các ngành của trường. Riêng đối với các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thì tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo luôn là 100% trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, ở các ngành như Khai thác mỏ, Công nghệ kỹ thuật mỏ hầm lò, ngành cơ khí, sinh viên luôn nhận được vị trí việc làm trước khi ra trường (trong quá trình thực tập). Thậm chí, nhiều sinh viên đã ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi nhận bằng tốt nghiệp, như các sinh viên ngành Cơ khí, sinh viên ngành Điện tử, Tự động hóa. Theo khảo sát chất lượng lao động là cựu sinh viên của Nhà trường năm 2021, 100% doanh nghiệp được khảo sát hài lòng về chất lượng chuyên môn của lao động được tuyển dụng từ sinh viên Nhà trường. Các doanh nghiệp được khảo sát đánh giá cao về khả năng thích ứng với văn hóa công ty của sinh viên Nhà trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học để các cán bộ, giảng viên và cả sinh viên có cơ hội trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Thưa ông, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung, trong thời gian tới, Nhà trường có những giải pháp hoặc kế hoạch thực hiện cụ thể nào?
TS. Hoàng Hùng Thắng: Để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung, trong thời gian tới, Nhà trường tập trung vào 03 nhóm giải pháp chính gồm: Đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên; Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp.
Cụ thể, về phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, hàng năm, Nhà trường đều có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt chú trọng vào đầu tư cho các phòng thực hành thí nghiệm. Năm 2020, chúng tôi đã đầu tư bải bản hệ thống thiết bị cho các phòng thực hành thí nghiệm Điện- Tự động hóa. Năm 2021, chúng tôi đã trang bị mới toàn bộ hệ thống thiết bị và cơ sở vật chất cho phòng thực hành IOT; xưởng thực hành Cơ khí Ô tô. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường. Cùng với đó, Nhà trường còn thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu và các câu lạc bộ khoa học theo các lĩnh chuyên ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh chủ động mở rộng mối quan hệ, hợp tác với các cơ quan, ban ngành, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong khi đó, về phát triển đội ngũ, Nhà trường luôn coi trọng việc phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đội ngũ giảng viên là chủ thể, là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, dịch vụ và sự phát triển của Nhà trường. Do đó, hàng năm, chúng tôi đều có kế hoạch cử các giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng, đi thực tế và khảo sát tại các doanh nghiệp có liên kết với trường. Đặc biệt, hiện nay, số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ của Nhà trường tốt nghiệp tại nước ngoài chiếm tỉ lệ lớn, khoảng 15 giảng viên đang là nghiên cứu sinh tại các nước như Trung Quốc, Đức, Nga, Bỉ. Đây chính là nguồn lao động chất lượng cao góp phần vào sự phát triển bền vững của Nhà trường.
Việc hợp tác quốc tế và kết nối doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục được chúng tôi chú trọng đẩy mạnh. Trong những năm gần đây, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, nhằm nâng cao tính ứng dụng của các chương trình đào tạo, đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Quảng Ninh và khu vực phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến nay, Nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với trên 50 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo ra đầu ra cho người học. Hàng năm có trên 80% học sinh - sinh viên ra trường tìm được việc làm phù hợp với các chuyên ngành đào tạo, góp phần không nhỏ việc đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Quảng Ninh và khu vực phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Xin cảm ơn ông!
Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương, đứng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với hơn 63 năm xây dựng và phát triển, trường đã đào tạo trên 80.000 cán bộ, kỹ sư tốt nghiệp ra trường, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh, khu vực Đông Bắc và cả nước. Nhiều thế hệ cán bộ, kỹ sư trưởng thành từ quá trình đào tạo của Nhà trường hiện đang giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, các tập đoàn, công ty trong và ngoài ngành than,...
Hà Nguyễn ghi
lên đầu trang