Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 22:17

Thứ tư, 24/04/2024 | 22:17

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 08:44 ngày 05/01/2022

Áp dụng tích hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý trong ngành chế biến thực phẩm

Trong hơn 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, việc áp dụng tích hợp Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (ISO 22000) với Hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001), kết hợp công cụ cải tiến 5S cho các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm được thực hiện. Hàng chục doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm được hướng dẫn áp dụng mô hình tích hợp này.
Vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) và bảo vệ môi trường (BVMT) là hai hoạt động gắn kết, hỗ trợ nhau nhằm đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng sống của con người. Hầu hết các vấn đề về VSATTP đều có nguyên nhân gián tiếp hoặc trực tiếp từ môi trường bị ô nhiễm như không khí, đất, nước... Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về an toàn thực phẩm, ngược lại, môi trường sẽ phải gánh chịu hậu quả do yếu tố mất an toàn thực phẩm mang lại.
ISO 22000:2018 Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm là tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) xây dựng nhằm cung cấp một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm một cách toàn diện, giúp doanh nghiệp kiểm soát được mối nguy trong bất cứ giai đoạn nào của chuỗi thực phẩm, từ khâu nuôi trồng, đánh bắt/ thu hoạch cho đến chế biến, sản xuất và cuối cùng là tiêu thụ trên thị trường.
Áp dụng ISO 22000 trong các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm do giảm chi phí xử lý sản phẩm sai hỏng, chi phí và thời gian đánh giá thử nghiệm trong quá trình giao nhận, đấu thầu, làm gia tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên cũng như bất kỳ ngành công nghiệp nào, ngành chế biến thực phẩm cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và là vấn đề cấp bách hiện nay.
Áp dụng ISO 14001:2015 Hệ thống quản lý môi trường sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát hiệu quả việc sử dụng nguyên vật liệu và kiểm soát tốt các hoạt động bảo vệ môi trường, hạn chế các tác động tiêu cực không mong muốn đến môi trường và nhờ đó nâng cao chất lượng môi trường trong sản xuất, chế biến thực phẩm, cũng như góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái nói chung. Một doanh nghiệp hoạt động đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, ngoài lợi ích kinh tế đạt được, còn có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu ở các nước phát triển.
Việc áp dụng tích hợp ISO 22000 Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và ISO 14001 Hệ thống quản lý môi trường sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện đồng thời hai mục tiêu: an toàn, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, lồng ghép trong một hệ thống. Việc áp dụng tích hợp 2 hệ thống quản lý giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề một cách toàn diện, đồng bộ, thống nhất hơn; rút ngắn được thời gian, giảm bớt khối lượng công việc.
Việc tích hợp hai hệ thống sẽ giúp hệ thống tài liệu được tích hợp sử dụng chung, tránh được sự cồng kềnh; rút ngắn thời gian và chi phí đến 30% so với áp dụng hệ thống riêng lẻ.
Doanh nghiệp có thể tích hợp, lồng ghép nhiều nội dung hoạt động và cũng như nhiều tài liệu với nhau như: xác định chính sách; mục tiêu; kế hoạch triển khai mục tiêu; hoạt động xem xét bối cảnh, nhận diện và đánh giá các rủi ro, cơ hội tiềm ẩn; hoạt động kiểm soát thông tin dạng văn bản; hoạt động kiểm soát đầu ra không phù hợp; hoạt động đánh giá nội bộ HTQL và xem xét của lãnh đạo đối với HTQL; hoạt động xác định cung cấp nguồn lực, bổ sung năng lực; …
Trong nhiệm vụ này, ngoài việc tích hợp 2 hệ thống quản lý còn kết hợp áp dụng  công cụ 5S.  5S là công cụ cải tiến năng suất chất lượng có nguồn gốc từ Nhật Bản giúp tạo nên và duy trì môi trường làm việc thuận tiện, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả tại mọi vị trí làm việc từ khu vực văn phòng, nơi sản xuất, kho hàng, nguyên vật liệu hay các vị trí xung quanh như sân bãi, chỗ để xe… Thực tế ngoài công cụ 5S, doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng khác nữa.
Theo khảo sát của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO, số lượng chứng chỉ ISO trên toàn thế giới được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận được công nhận bởi Diễn đàn Công nhận Quốc tế (IAF) được cấp trong năm 2019 là 1.357.241 chứng chỉ, trong đó chứng chỉ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 đạt 33.502 chứng chỉ tăng 23,67% so với năm 2018 và chứng chỉ hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 đạt 312.580 chứng chỉ tăng 21% so với 2018.
Tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý môi trường là các hệ thống nằm trong top 5 những hệ thống quản lý được chứng nhận nhiều nhất trên toàn thế giới trong năm 2019. Hy vọng trong các bài khác sẽ giới thiệu kết quả, hiệu quả cụ thể của một số doanh nghiệp áp dụng tích hợp theo mô hình kể trên.
Theo Chất lượng và Cuộc sống
lên đầu trang