Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:06

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:06

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 12:24 ngày 19/01/2022

Bảo đảm an toàn thực phẩm: Khuyến khích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Trong năm 2022, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, tham gia vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Trong thời gian qua, Vụ KH&CN đã tập trung vào công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành và hoàn thiện chính sách pháp luật phục vụ quản lý ATTP như: Rà soát, đánh giá, tổng hợp ý kiến vướng mắc trong thực hiện Luật ATTP; tiến hành rà soát, triển khai xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra công tác bảo đảm ATTP
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, Vụ KH&CN đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thống kê, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu các quy định liên quan trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, tính chi phí tuân thủ và rà soát các quy định trên hệ thống phần mềm Nghị quyết 68 theo phạm vi chức năng quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Công Thương.
Đặc biệt, hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP đã phát huy được hiệu quả, phát hiện, ngăn chặn được nhiều vụ vi phạm góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên. Do đó, trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm việc sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục các chất phụ gia được phép trong bảo quản, chế biến thực phẩm đã giảm; nguyên liệu đưa vào trong quá trình chế biến, sản xuất thực phẩm ngày càng được đảm bảo về vệ sinh ATTP.
Trong năm 2022, Vụ KH&CN sẽ phối hợp với đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới”.
Bên cạnh đó, xây dựng nội dung và tổ chức triển khai có hiệu quả về nội dung phối hợp trong lĩnh vực ATTP tại Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP đảm bảo hài hòa với các chuẩn mực quốc tế. Vụ cũng sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, tham gia vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào các hoạt động bảo đảm ATTP.
Mặt khác, chủ động xử lý các sự cố mất ATTP và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, phối hợp các nước trong kiểm tra tại nguồn; phối hợp với đơn vị chức năng của các bộ, ngành kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm trong bối cảnh Covid-19.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, tham mưu Chính phủ kiện toàn cơ quan quản lý ATTP tại địa phương theo hướng thống nhất giữa ba ngành nhằm triển khai đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt các quy định của các bộ, ngành về quản lý, thanh tra chuyên ngành…
Theo Vụ KH&CN, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá nguy cơ trong việc sử dụng các sản phẩm là xu thế các nước trên thế giới đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu, sản xuất.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang