Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 17/04/2024 | 06:40

Thứ tư, 17/04/2024 | 06:40

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:12 ngày 24/01/2022

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hướng tới mô hình trường học số E-College

Với bề dày truyền thống và kinh nghiệm đào tạo 60 năm, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín của ngành Công Thương. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Nhà trường luôn cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng công tác đào tạo, hướng tới chuyển đổi số, xây dựng trường học thông minh. Năm 2021, trường đã đạt chứng nhận Tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của cả tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường trong suốt thời gian qua. Sự kiện cũng đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển, là minh chứng khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo của Nhà trường với xã hội.
Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương (Địa chỉ truy cập: https://khcncongthuong.vn/) đã có cuộc trao đổi với TS. Đồng Trung Chính – Phó Bí thư đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội về những hoạt động, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hướng tới xây dựng mô hình trường học thông minh E-College của Nhà trường. 

TS. Đồng Trung Chính - Phó Bí thư đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội.
Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!
Chuyển đổi số đang là xu hướng mà rất nhiều cơ sở giáo dục hướng tới. Với Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, trong thời gian qua, Nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào trong các hoạt động giảng dạy, học tập và quản lý nhà trường, hướng tới xây dựng trường học số, trường học thông minh, thưa ông?
TS. Đồng Trung Chính: Trong xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 không thể đảo ngược, tất cả các chủ thể trong nền kinh tế đều phải thích ứng và thay đổi phù hợp với xu hướng công nghệ. Vì vậy, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng và ứng dụng Mô hình trường học số E-College, mọi hoạt động của Nhà trường đều được quản lý và vận hành trên nền tảng ứng dụng một cách rất hiệu quả. Việc áp dụng hệ thống này không chỉ giúp Nhà trường nâng cao hiệu quả quản trị, nhanh chóng vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất khi cả nước gặp khủng hoảng (trong tuyển sinh và đào tạo), và dịch bệnh kéo dài. Nhà trường đã đón đầu được xu hướng công nghệ, tạo ra động lực để phát triển trong các năm tiếp theo.
Đến nay, hoạt động quản lý đào tạo được số hóa hoàn toàn; thư viện điện tử đang dần được hoàn thiện kho học liệu; toàn bộ dữ liệu về chương trình dào tạo, chuẩn đầu ra được số hóa, được công bố trên hệ thống QMC và cổng thông tin điện tử của Nhà trường. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nhà trường đã áp dụng hình thức học trực tuyến kết hợp học trực tiếp tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh. Năm 2021 là năm mà hoạt động dạy - học của Nhà trường hầu như diễn ra trên nền tảng kỹ thuật số.
Để đảm bảo mọi hoạt động dạy - học diễn ra bình thường, Nhà trường đã xây dựng hệ thống E-Learning hoàn chỉnh tích hợp trên hệ thống QMC sẵn có. Với hệ thống này, người dạy và người học được cung cấp một nền tảng rất khoa học, thuận tiện trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập, có thể học mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Trong khi đó, đối với công tác quản lý tốt nghiệp, toàn bộ dữ liệu của người học từ kết quả học tập, văn bằng chứng chỉ cũng được thống nhất quản lý và tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Nhà trường.
Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội
Xin ông cho biết, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong các hoạt động kể trên đã mang lại những lợi ích gì cho công tác đào tạo của Nhà trường, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay?
TS. Đồng Trung Chính: Như đã nói ở trên, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động của Nhà trường đã giúp Nhà trường ứng phó linh hoạt, chủ động thích ứng khi dịch Covid-19 kéo dài. Theo đó, mọi hoạt động của Nhà trường vẫn diễn ra một cách bình thường, đặc biệt là hoạt động dạy và học.
Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp số hoá toàn bộ dữ liệu của giảng viên, người học, tài liệu học tập. Do vậy, việc lập kế hoạch tổ chức đào tạo của Nhà trường được thực hiện thuận lợi, kết nối trực tiếp đến từng tài khoản của giáo viên và của người học, giúp cho việc quản lý, tổ chức dạy, học và đánh giá được chính xác, khách quan.
Đồng thời, hệ thống E-learning tích hợp còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc tương tác giữa người dạy và người học. Người dạy có thể chủ động cung cấp tài liệu, bài giảng trên hệ thống, còn người học chủ động khai thác tài liệu để học tập mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, công tác đánh giá, giám sát kết quả học tập được thực hiện khoa học, chính xác, khách quan với sự giám sát của nhiều bộ phận chức năng, đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Ngoài ra, nhờ ứng dụng công nghệ mà tối ưu hóa được lao động, nâng cao năng suất và chất lượng lao động của cán bộ, nhân viên; giảm thiểu sai sót trong công việc.
Tất cả các lợi ích mang lại nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đã được Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực chứng nhận đạt Tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận được tổ chức ngày 10/1/2022 vừa qua.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo của Nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương, Nhà trường sẽ có những giải pháp, kế hoạch cụ thể nào, thưa ông?
TS. Đồng Trung Chính: Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo của Nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đây cũng là những nhiệm vụ quan trọng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặt ra cho Nhà trường tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) và khai giảng năm học mới 2021-2022.
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế trong Nhà trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới, đặc biệt là việc đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu và phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nhằm đạt được mục tiêu Chiến lược phát triển của Nhà trường đã đề ra.
Ba là, tiếp tục đổi mới đồng bộ cả về nội dung, chương trình và phương thức, đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực hành và ứng dụng; lấy người học làm trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa việc đào tạo với đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Đầu tư có trọng điểm, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học hiện đại; đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Hoàn thiện đề án chuyển đổi số và vận hành mô hình trường học số, trường học thông minh để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và thích ứng an toàn, linh hoạt trước đại dịch Covid-19.
Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội tiếp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thăm phòng học thực hành nghề của Nhà trường. 
Bốn là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, giỏi kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công nghệ để làm tốt vai trò quản trị, hướng dẫn người học, phát huy tính chủ động sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và thế giới.
Năm là, thực hiện có hiệu quả hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế để nhanh chóng tiếp cận với trình độ đào tạo chuẩn của khu vực, qua đó gắn đào tạo của Nhà trường với nhu cầu thực tiễn và huy động các nguồn lực xã hội để bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, hỗ trợ sinh viên và xây dựng các chương trình đào tạo mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhà trường.
Sáu là, ứng dụng nghiên cứu khoa học với công tác giảng dạy và học tập; khuyến khích nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng chuẩn cho các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến và điện tử), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo.
Bảy là, cùng với nâng cao chất lượng đào tạo về chuyên môn, xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh; giáo dục, bồi dưỡng về truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên, về các giá trị truyền thống, lịch sử của Nhà trường, của Đảng, đất nước và dân tộc; từ đó nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên, phát triển toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ, khi ra trường các em trở thành những con người trung thực, nhân văn, vừa có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao để công tác, làm việc hiệu quả, vừa có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, với xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Hà Nguyễn ghi
lên đầu trang