Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 16/04/2024 | 23:01

Thứ ba, 16/04/2024 | 23:01

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:37 ngày 26/01/2022

Hướng tới sản xuất thép ‘xanh’, đáp ứng tiêu chuẩn EU

Ngành thép Việt Nam trong tương lai cần hướng tới phát triển thép “xanh”, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU khi thị trường này áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu.
Những “điểm sáng” đáng ghi nhận
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, năm 2021, ngành thép vẫn có bước tăng trưởng tốt, tăng 16% so với năm trước. Sản phẩm thép của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới. Giới chuyên gia đánh giá đây được xem là những “điểm sáng” đáng ghi nhận.
Đánh giá về năm vừa qua, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép trên toàn thế giới. Mặc dù có những khó khăn nhất định như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hay Covid-19 làm thay đổi chuỗi cung ứng, nhưng đối với Việt Nam thì lại là cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng quan điểm, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua, GDP Việt Nam đã giảm còn từ 1-2% nhưng ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực.
Thị trường trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á, có sự đóng góp rất lớn của Hiệp hội Thép Việt Nam và Hòa Phát cũng góp phần vào sự tăng trưởng này.
Theo ông Dương, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành thép trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trong ngành cũng như Hiệp hội Thép Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là thành quả của sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hướng tới “thép xanh” trong tương lai
 Ngành thép Việt Nam trong tương lai cần hướng tới phát triển thép “xanh”. Ảnh minh họa.
Để phát triển bền vững, giới chuyên gia cho rằng, ngành thép Việt Nam trong tương lai cần hướng tới phát triển thép “xanh”, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU khi thị trường này áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu. Nếu làm tốt theo hướng này, Việt Nam sẽ giữ vững và thậm chí tăng thị phần xuất khẩu. Hiện, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang hướng tới sản xuất thép “xanh”, bắt nhịp xu hướng của thời đại.
Đồng thời, ông Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung cũng nhận định, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19 xuyên suốt.
Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 cùng các giải pháp duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022.
Thép “xanh” được hiểu là thân thiện với môi trường, nhờ được sản xuất dựa trên công nghệ được đặt tên là HYBRIT (Hydrogen Breakthrough Ironmaking Technology) – Công nghệ sản xuất sắt đột phá bằng hydro. Công nghệ này cho phép thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng hydro xanh, giúp giảm ít nhất 90% lượng khí thải carbon khi so với sản xuất thép truyền thống.
Trong đó, hydro có thể được sản xuất bằng nhiều cách, như điện phân – sử dụng dòng điện để tách nước thành oxy và hydro. Nếu dòng điện này xuất phát từ một nguồn tái tạo như gió hay năng lượng mặt trời thì hydro sản xuất ra sẽ được gọi là hydro “xanh” hoặc hydro “tái tạo”.
Theo https://tcvn.gov.vn/
lên đầu trang