Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:11

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:11

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 21:57 ngày 04/02/2022

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không ngừng ứng dụng công nghệ, phát triển toàn diện

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trải qua hai năm liên tục với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế và giá dầu ở mức thấp kéo dài nhiều tháng. Tuy nhiên, Tập đoàn đã chủ động thích ứng, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, tình hình phức tạp trên Biển Đông, vấn đề giãn cách, đứt gãy chuỗi cung ứng… để tận dụng triệt để các cơ hội kinh doanh, và đạt được những thành tích ấn tượng.
Tập đoàn đã xác định và bám sát mục tiêu quản trị biến động, tối đa giá trị, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội, liên kết đầu tư, phục hồi tăng trưởng. Kết quả, năm 2021 hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh (SXKD) của Petrovietnam đã đạt rất cao so với kế hoạch, nhiều chỉ tiêu sản xuất quan trọng đã về đích sớm từ 14 - 42 ngày. Trong đó, sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn theo kế hoạch. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 6,37 triệu tấn, vượt 0,1% kế hoạch năm, tăng 9,5% so với năm 2020. Sản xuất phân bón hoàn thành kế hoạch cả năm (1,6 triệu tấn) trước 14 ngày; năm 2021 đạt 1,91 triệu tấn, vượt 286 nghìn tấn (≈ vượt 18%) kế hoạch năm, tăng 6,0% so với năm 2020. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã cung ứng kịp thời đầy đủ khí tự nhiên và điện cho thị trường năng lượng.
Về tổng doanh thu toàn Tập đoàn, đã hoàn thành vượt kế hoạch cả năm trước 2 tháng, đạt 620,2 nghìn tỷ đồng, vượt 26,4% kế hoạch năm, tăng 28% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 45 nghìn tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm, tăng 2,2 lần so với năm 2020; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn hoàn thành trước 3 tháng, đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020. Kết quả sản xuất kinh doanh của Petrovietnam đã dẫn đầu 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong năm 2021.
Petrovietnam đã làm chủ công nghệ, khoa học tiên tiến, xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ.
Về công tác đầu tư và xử lý các tồn tại yếu kém, Petrovietnam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2021. Công tác xử lý các dự án tồn tại khó khăn cũng đã có những chuyển biến lớn khi 4/5 dự án đã được Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các dự án khó khăn, yếu kém ngành Công Thương gồm: 03 dự án nhiên liệu sinh học (Dung Quất, Phú Thọ và Bình Phước); VNPoly đã vận hành toàn bộ 27 dây chuyền sản xuất sợi chất lượng sản phẩm tốt, doanh thu vượt kế hoạch; dự án còn lại là DQS có đơn hàng ổn định, chủ yếu với khách hàng ngoài Ngành Dầu khí, doanh thu vượt 4% kế hoạch.
Không chỉ vậy, dự án Sư Tử Trắng pha 2A đã được đưa vào vận hành, các giàn BK-18A và BK-19 vận hành khai thác vượt tiến độ; Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã vận hành 100% các dây chuyền sản xuất sợi, đạt sản lượng 10.700 tấn, doanh thu vượt 49%; Nhà máy đóng tàu DQS đã có những đơn hàng ổn định, doanh thu vượt 4%. Đặc biệt, Tập đoàn đã thúc đẩy tiến độ Dự án NMNĐ Thái Bình 2, ngày 23/2/2022 dự kiến sẽ đốt lửa bằng dầu lần đầu Tổ máy số 1, phấn đấu đưa nhà máy vào vận hành thương mại trong năm 2022.
Petrovietnam đã đạt những thành tựu ấn tượng trong phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và là doanh nghiệp duy nhất trong cả nước có 6 công trình được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.
Petrovietnam cũng tích cực thực hiện công tác quản trị, thực hành tiết kiệm với tổng giá trị tiết giảm hơn 3.012 tỷ đồng, vượt 10,5% so với kế hoạch. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chia sẻ: "Tập đoàn đã đưa công tác quản trị chuyển biến theo hướng hiện đại, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực man tính tích hợp cao với mục tiêu đảm bảo hệ thống vận hành doanh nghiệp một cách đồng bộ, toàn diện từ khâu hoạch định chiến lược, mô hình tổ chức, hệ thống tài chính đến quản trị nhân sự, nguồn lực, tổ chức sản xuất và phát triển thị trường, hướng tới phát triển bền vững trong toàn Tập đoàn."
Để có thể đạt được những kết quả ấn tượng như vậy là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của toàn bộ cán bộ công nhân viên. Tập đoàn đã chủ động dự báo và thích ứng linh hoạt để SXKD an toàn, liên tục, ổn định và hiệu quả; tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm thông suốt; thực hiện thành công mục tiêu: "Quản trị biến động, tối đa giá trị, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội, liên kết đầu tư, phục hồi tăng trưởng".
Năm 2022, Petrovietnam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước với các khó khăn, thách thức về dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn; khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục không đồng đều và chưa vững chắc… Tập đoàn xác định mục tiêu của năm 2022 là: Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững.
Petrovietnam sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách được Chính phủ giao như dự án Lô B, Cá Voi Xanh, Sông Hậu 1, LNG Thị Vải, LGP Sơn Mỹ, đặc biệt là sớm đưa Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào hoạt động; Tập trung chuyển đổi số và Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam; Đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò để gia tăng sản lượng (đạt 10-18 triệu tấn); Hoàn thành đưa vào vận hành thương mại 2 nhà máy điện lớn: Sông Hậu 1 và Thái Bình 2; giải quyết xong tranh chấp với PM tại Dự án LP1 và cá dự án khó khăn khác. Các dự án khác như VNPoly; 3 dự án Ethanol cũng cần có giải pháp để xử lý, giải quyết có hiệu quả trong năm 2022.
Khởi công các dự án lớn của Tập đoàn như Nhơn Trạch 3, 4, Dự án khí Lô B, tập trung nguồn lực, hoàn thành các công đoạn chuẩn bị đầu tư như thu xếp vốn, lựa chọn được tổng thầu để khởi công, thực hiện và hoàn thành dự án đúng tiến độ, tạo năng lực mới, động lực mới cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới.
Đỗ Hạnh
lên đầu trang