Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:05

Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:05

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 11:10 ngày 15/03/2022

Tăng cường xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Ngày 10/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về việc phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022.  
Toàn cảnh hội nghị
Trong thời gian qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cùng với đó, tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm - Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay là: Quảng cáo sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo; quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Giả danh Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Công an, Quốc phòng, sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội, đài truyền hình địa phương. Bên cạnh đó là việc quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo hay quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận...
Kết quả xử lý qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội cũng như nhận được thông tin từ phóng viên, người tiêu dùng qua mail của Cục An toàn thực phẩm phản ánh về các sản phẩm vi phạm quy định được cảnh báo trên website của Cục. Năm 2020, 2021, website Cục (vfa.gov.vn) đã đăng 246 bài cảnh báo, đồng thời xử phạt 76 cơ sở, 94 hành vi vi phạm về quảng cáo với tổng số tiền phạt lên tới hơn 3,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm báo cáo tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng như trên, một trong số đó là vì lợi nhuận nên nhiều tổ chức cá nhân sẵn sàng vi phạm, kể cả cơ quan phát hành quảng cáo. Bên cạnh đó, việc phối hợp của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo như vấn đề mở các tên miền, website quy định về xử phạt bổ sung chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu kết luận hội nghị
Bộ Y tế đề nghị các cơ quan quản lý, các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo và các cơ quan truyền thông tăng cường quản lý, xử lý, đồng thời phối hợp để hạn chế tối đa các hành vi, vi phạm và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng cũng như tạo ra sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp. Bộ Công Thương siết chặt công tác quản lý hoạt động các sàn thương mại điện tử, hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các trường hợp sai sự thật, quảng cáo khi nội dung chưa được kiểm chứng, lừa dối người tiêu dùng. UBND các địa phương chỉ đạo sở, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để xử lý các trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn…
Phương Loan

lên đầu trang