Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 22:40

Thứ bảy, 20/04/2024 | 22:40

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 17:07 ngày 18/03/2022

Nhiều quận, huyện của Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cũng đã có nhiều thay đổi để đáp ứng với tình hình mới. Luôn xác định ATTP là vấn đề trọng tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục duy trì, đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn các quận, huyện của thành phố.
Tại Trung tâm y tế (TTYT) huyện Quốc Oai, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh huyện và 21 xã, thị trấn được đẩy mạnh, với 4224 lượt tuyên truyền, 36 khẩu hiệu có nội dung tuyên truyền vệ sinh ATTP được thực hiện trong Tháng Hành động năm 2021. Trung tâm cũng đã tổ chức 01 lớp truyền thông phổ biến kiến thức ATTP phòng chống ngộ độc thực phẩm với tổng số người tham dự là 60 người. Cùng với đó, tổ chức 05 lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể trên địa bàn.
Với huyện Phúc Thọ, hiện trên địa bàn có 1.657 cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng ăn uống… trong đó lĩnh vực y tế quản lý 245 cơ sở, có 13 chợ đang hoạt động gồm 3 chợ hạng 2 và 10 chợ hạng 3. Năm 2021, Ban chỉ đạo công tác ATTP huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; các khuyến cáo trong chọn mua, sử dụng thực phẩm an toàn cho người dân. Ban chỉ đạo cũng đã tuyên truyền 27 bài viết, phát 130 lượt trên hệ thống đài phát thanh huyện và các xã, thị trấn; căng treo 46 băng zôn tuyên truyền, phát 35.000 tờ rơi tuyền truyền. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động 3 sạch đến toàn dân.
Tăng cường thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn huyện Đan Phượng. (Ảnh: https://soyte.hanoi.gov.vn/)
Trong năm 2021, Ban chỉ đạo công tác ATTP huyện Đan Phượng đã chỉ đạo triển khai thường xuyên các hoạt động đảm bảo vệ sinh ATTP gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. TTYT huyện đã tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác ATTP của huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đảm bảo công tác ATTP tại địa phương. Huyện Đan Phượng đã phối hợp với Chi cục ATTP thành phố, Phòng Y tế huyện thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cho 09 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điểu kiện ATTP trên địa bàn huyện là 71/80 đạt 88,8% (chỉ tiêu kế hoạch 82%). Công tác thanh kiểm tra cũng được huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm. Các đoàn kiểm tra liên ngành của xã, huyện đã kiểm tra được 1.976 lượt cơ sở trong năm 2021, số lượt đạt: 1.839/1.976 (93,1%), vượt mức chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu 84%). Trong công tác xét nghiệm ATTP, thực hiện xét nghiệm đối với 10.741 mẫu, số mẫu đạt: 10.434/10.74 (97,1%).
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm bằng xe chuyên dụng. (Ảnh: https://soyte.hanoi.gov.vn/)
Trên địa bàn quận Ba Đình có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm với nhiều hình thức đa dạng. Hiện ngành y tế quản lý 1.687 cơ sở dịch vụ ăn uống (theo phân cấp: thành phố 308, cấp quận 558, cấp phường 812 cơ sở). Số lượng cơ sở thực phẩm lớn, đa dạng về loại hình lại thường xuyên có nhiều biến động nên gây khó khăn không nhỏ cho công tác đảm bảo ATTP. Quận cũng đã tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn quận Ba Đình năm 2022" (Đề án) đến các cán bộ có liên quan, các Ban quản lý chợ, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ; hoàn thành khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ và hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện các điều kiện bảo đảm ATTP theo chỉ tiêu đề ra tại Đề án, lấy mẫu xét nghiệm nhanh hàng ngày đối với thực phẩm kinh doanh tại chợ,...
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND thực hiện Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025”. Kế hoạch hướng đến mục tiêu 100% đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành Quy chế về quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 30% so với thời điểm trước khi thực hiện đề án. Tối thiểu 100% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại theo quy định tại đề án.
Thành phố cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định trong chợ trên địa bàn Hà Nội chấp hành đầy đủ các quy định (có đăng ký kinh doanh, được cấp biển nhận diện và bảo đảm đầy đủ các điều kiện về con người, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản thực phẩm, bảo đảm chất lượng theo quy định pháp luật).
Doãn Tâm
lên đầu trang