Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 04:22

Thứ sáu, 19/04/2024 | 04:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:23 ngày 31/03/2022

Đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng thu hút vốn FDI

Hiện nay, các ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ôtô... đang thiếu nguồn nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện trong nước để hỗ trợ sản xuất. Chính vì thế, các ngành sản xuất trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến sản xuất bị động, chi phí cao. Trong khi đó, làn sóng đầu tư vào nước ta ngày càng mạnh, khiến nhu cầu về ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ sản xuất ngày càng trở nên cấp thiết...
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020). Có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Điều đó cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài các nhà đầu tư FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng đang dần ổn định và phát triển trở lại, nên đang rất cần các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, rất ít doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hoặc nếu đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ thì phần lớn cũng không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI do sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm.
Điển hình như ngành dệt may, da giày, mặc dù là những ngành nằm trong top có kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên phụ liệu dùng để sản xuất các ngành hàng này chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm khoảng 80%). Chính vì phụ thuộc quá nhiều nguyên phụ liệu vào thị trường Trung Quốc, nên khi dịch COVID-19 xảy ra, khiến ngành dệt may, da giày rơi vào tình thế lao đao khi không chủ động được nguồn nguyên liệu. Tương tự, một số ngành công nghiệp chủ lực khác như điện tử, sản xuất, lắp ráp ôtô... đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, cũng gặp khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng, nhất là chi phí logictics tăng cao.
Nói về những khó khăn của doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Công ty CP Cơ khí Duy Khanh cho rằng, để đầu tư phát triển được thì đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải mạnh dạn, bởi đi đôi với đầu tư phát triển là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp cơ khí là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nên các dự án ngành cơ khí tiếp cận với ngân hàng thường gặp nhiều khó khăn.
Một số doanh nghiệp nước ngoài cũng có nhận xét, doanh nghiệp cung ứng trong nước đang yếu về việc đầu tư vào công nghệ và đầu tư về mặt kiến thức cho đội ngũ lao động ở doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp khi trở thành đối tác cung ứng các chi tiết linh kiện cho doanh nghiệp FDI, họ muốn khi tham gia thì phải có đơn hàng ngay, chỉ nhìn về mặt lợi nhuận trước mắt mà chưa nhìn về chặng đường lâu dài.
Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, phần lớn các doanh nghiệp FDI mong có nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ có định hướng đầu tư dài hạn, có năng lực cung ứng tốt để đồng hành cùng với họ trong quá trình phát triển những sản phẩm, những cụm linh kiện chi tiết. Cụ thể như BOSCH, tìm doanh nghiệp Việt Nam cung ứng sản phẩm chi tiết linh kiện, cụm chi tiết linh kiện trong ngành ô tô… Tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp hỗ trợ của Thành phố còn thấp, chỉ đạt khoảng 65%. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các chương trình kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trong giai đoạn sắp tới để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc trang thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm các nhà cung ứng, các sản phẩm đầu cuối của doanh nghiệp FDI.
Định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Nguồn: moit.gov.vn/
lên đầu trang