Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:07

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:07

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 14:09 ngày 04/04/2022

Kon Tum: 97,9% cơ sở chấp hành các quy định pháp luật về ATTP

Mới đây, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Kon Tum đã tổng hợp, báo cáo kết quả công tác bảo đảm ATTP trong quý I cũng như đề xuất nhiệm vụ trọng tâm trong quý II năm 2022. Đáng chú ý, trong quý I không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Kon Tum được thực hiện nghiêm túc. (Ảnh: consosukien.vn)
Phối hợp chặt chẽ từ tuyến tỉnh đến địa phương
Trong quý I, các cơ quan, đơn vị, địa phương thành viên Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh đã triển khai công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022. Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP cũng được phối hợp chặt chẽ từ tuyến tỉnh đến địa phương.
Tại tuyến tỉnh, ngành Y tế cùng các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các Đài phát thanh – Truyền hình địa phương đã tăng cường liên kết, phối hợp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP đến người dân. Các Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cũng hưởng ứng kế hoạch, thực hiện triệt để công tác tuyên truyền và thực hiện công tác đảm bảo ATTP.
Tại các tuyến huyện, thành phố, địa phương cũng tổ chức hơn 300 buổi nói chuyện chuyên đề với gần 7000 người tham dự,... góp phần tuyên truyền kiến thức về ATTP.
Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cũng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhân. Điển hình như việc duy trì, phát triển hai vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 7.919 ha, hình thành bảy cánh đồng lớn với bốn loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất. Hay toàn tỉnh cũng đã xây dựng 150 sản phẩm OCOP, trong đó 01 sản phẩm được chứng nhận 05 sao, 20 sản phẩm được chứng nhận 04 sao (trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao), 129 sản phẩm được chứng nhận 03 sao sản phẩm OCOP bảo đảm ATTP, chuẩn hóa sản phẩm về quy cách, đóng gói, bao bì, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu...
Tại huyện Ngọc Hồi, địa phương tiếp tục duy trì triển khai nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập hai tổ hợp tác với tổng diện tích 5,1 ha và đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại huyện Đăk Hà, địa phương tiếp tục duy trì các vùng nguyên liệu sản xuất thực phẩm an toàn với diện tích 17.300 ha, trong đó được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao là 6.180 ha. Trong khi đó, huyện Sa Thầy cũng đã quy hoạch 3,9 ha vùng sản xuất rau quả an toàn tại xã Sa Nghĩa và thị trấn Sa Thầy. Các hộ trồng rau được tập huấn về kỹ thuật trồng rau, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thực phẩm trước khi thu hoạch được kiểm tra các điều kiện cơ bản về đất, nước và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi bán ra thị trường. Kết quả, đến nay đã có 135 hộ cam kết với chính quyền địa phương về sản xuất rau an toàn cho người dùng; duy trì khu vực bán rau an toàn tại Trung tâm Thương mại huyện.
 
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động các địa phương thực hiện đúng quy định về đảm bảo vệ sinh ATTP, công tác thanh tra, kiểm tra liên tuyến cũng được đẩy mạnh.
Công tác kiểm tra, xỷ lý được đẩy mạnh (Ảnh: Baomoi.com)
Kết quả cho thấy, trong quý I không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Về nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản tiến hành lấy ba mươi bảy mẫu nông thủy sản giám sát ATTP. Kết quả là 37/37 mẫu đạt yêu cầu.
Tại cấp tỉnh, ngành Y tế kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP tại 187 cơ sở, số cơ sở đạt là 183 cơ sở chiếm tỷ lệ 97,9%. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, kết quả kiểm tra cho thấy các cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP.
Đáng chú ý, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 02 cơ sở với số tiền 6.000.000 đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã kiểm tra độc lập một cơ sở, xử lý vi phạm hành chính với số tiền là 750.000 đồng.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tham gia, phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022
Tại cấp huyện, đoàn kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với chín cơ sở, số tiền xử phạt là 5.000.000 đồng. Đồng thời, tiêu hủy sản phẩm thực phẩm ko đảm bảo ATTP tại 38 cơ sở với 42 loại sản phẩm gồm 107,5kg thực phẩm rắn và 212,1 lít thực phẩm lỏng....
Tiếp tục tăng cường bảo đảm ATTP trong quý II
Mặc dù việc thực hiện đảm bảo vệ sinh ATTP đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình nhưng do đa số cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo thời vụ nên công tác quản lý ATTP vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, trên cơ sở kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm quý I, tỉnh Kon Tum đã đề xuất nhiệm vụ mới trong quý II, trọng tâm là tiếp tục tăng cường bảo đảm ATTP.
Cụ thể, tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP, nhất là công tác bảo đảm ATTP để phòng, chống bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, công tác quản lý cần thực hiện chặt chẽ và xử lý nghiêm đối các hộ giết mổ không chấp hành, nghiêm cấm việc kinh doanh của các hộ này khi không được cơ quan thú ý kiểm dịch trước khi tiêu thụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo trọng điểm, trên cơ sở đánh giá, phân tích nguy cơ ATTP,  xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Đối với các cơ sở vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng cần có biện pháp xử lý thích đáng, bao gồm cả việc đình chỉ hoạt động.
Ngoài ra, cần triển khai thực hiện công tác kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm địa phương và phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản.
Đặc biệt, chú ý đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Kon Tum thực hiện tốt việc tuyên truyền trên hai làn sóng phát thanh, truyền hình (KRT) về ATTP. Phối hợp với các đơn vị liên quan mở chuyên mục, chuyên đề mang tính chuyên sâu về công tác ATTP, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, quản lý về chất lượng phân bón, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, trong chế biến, bảo quản.
Đồng thời cực giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP quý II năm 2022 và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.
Phương Loan
lên đầu trang